Miền Trung đang trải qua đợt lũ lịch sử khi bão chồng bão và lũ chồng lũ. Khi viết những dòng này, tôi vô cùng ám ảnh về bản tin sáng 21/10: “Mẹ đi nhận hàng cứu trợ, bé trai 8 tuổi ở nhà ngã xuống nước tử vong”… Tôi mường tượng một biển nước trắng xoá, cây cối ngả nghiêng, những cánh tay chới với cầu cứu. Quá nhiều nước mắt và nỗi đau trong những ngày này ở miền Trung…
Các phương tiện truyền thông đại chúng ngập tràn những thông tin về sự tàn phá kinh hoàng của bão lũ. Số người chết, số tài sản bị thiệt hại vẫn đang tiếp tục tăng. Người dân Miền Trung vẫn quật cường chống chọi với thiên tai.
Những thông tin cực đoan về thời tiết vừa được cơ quan Khí tượng thủy văn cảnh báo, bão số 8 liên tục tăng cấp khi hướng vào miền Trung, gió có thể giật cấp 14 khiến nhiều người thêm lo lắng, bất an. Sẽ còn có nhiều người dân, nhiều gia đình vùng lũ phải chống chọi với đói và rét. Họ cần sự giúp đỡ, hỗ trợ. Cần lắm những tấm lòng hướng về nơi “đòn gánh” của đất nước...
Những ngày qua, người dân cả nước đã chung tay, người góp sức, người góp tiền, góp gạo, gửi manh áo… “sưởi ấm” những phận đời chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”. Trong cơn bão lũ, “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Rất nhiều người không ngại hiểm nguy xông pha vào “rốn” lũ, gõ cửa từng nhà để trao quà cứu trợ cho bà con. Trong lòng mỗi người đều tin rằng, đồng bào khắp nơi đang hướng về miền Trung, bà con không đơn độc trong hoạn nạn.
Thế nhưng, khi cả triệu trái tim đồng lòng hướng về miền Trung thì ở đâu đó không ít nhóm thiện nguyện lên án về những kẻ “ăn chặn” từ thiên tai không từ thứ gì. Dẫu rằng, có thể do nhu cầu áo phao, lương thực phẩm… tăng cao khiến nguồn cung không đủ, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho bà con vùng lũ trở nên “sốt giá” và khan hàng (?)
Nhiều cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ thông báo "cháy" áo phao cứu sinh, khách muốn mua phải chờ 1 - 2 ngày mới có hàng, thậm chí phải chuyển khoản cọc trước. Không những thế, có nơi áo phao bị “đội giá” lên gấp đôi.
Không ít nhóm từ thiện mặc dù đã quyên góp được tiền nhưng “lực bất tòng tâm”, không thể hiện thực hóa việc mua áo phao hỗ trợ cho bà con vùng lũ. Thay vì có trách nhiệm xã hội, tiểu thương lại lợi dụng lũ lụt để thổi giá, găm hàng. Trong khi, một chiếc áo phao lúc này có thể gánh cả tính mạng con người trong đó.
Buồn thay, nếu vì lợi nhuận mà đẩy giá quá cao so với giá thành thực tế giữa lúc thiên tai thì đó là việc làm không thể dung thứ.
Mà đâu chỉ là chuyện những chiếc áo phao, tình cảnh “trục lợi tiền từ thiện” cũng khiến dư luận bất bình. Điển hình, 1 đối tượng đã giả danh ca sỹ Thủy Tiên, nhẫn tâm “ăn chặn” tiền mà cô thay mặt cộng đồng trao cho người ở vùng lũ.
Đau lòng thay khi nhiều người nỗ lực chuyển những gói hỗ trợ đến đúng đối tượng người nghèo đang đứng bên bờ vực của sinh tử thì lại có những người trục lợi trên nỗi đau đồng loại.
Cũng phải nói thêm rằng, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh đe dọa tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhiều người, chúng ta rất dễ phân biệt được người tốt, kẻ xấu. Khi đó, người tốt thường hảo tâm, nhường cơm, sẻ áo cho những người trong cơn hoạn nạn, còn kẻ xấu thường bất chấp, cầu lợi, lợi dụng vào đó để trục lợi, làm giàu trên nỗi sợ hãi, hiểm nguy của đồng bào mình.
Cơn sốt khẩu trang, vật tư y tế vừa qua khi dịch covid-19 bùng phát là một ví dụ điển hình. Đến nay khi đồng bào Miền Trung gặp lũ lụt, “virus trục lợi” lại trỗi dậy.
Thiết nghĩ, với những mặt hàng không thuộc danh mục là hàng bình ổn giá, không có sự quản lý về giá của nhà nước cũng cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như tuyên truyền vận động để các tiểu thương chung tay góp sức cùng các cấp chính quyền giúp đỡ đồng bào thiên tai giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra.
Những trường hợp cố tình vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc để buộc họ phải trả giá bởi hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh của mình.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!