Tại cuộc họp, Bộ Chính trị cho ý kiến về: Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020;
Bộ Chính trị cũng cho ý kiến đối với Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Quy định xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Về Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 21-NQ/TW đã được các bộ, ngành và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai, thực hiện hiệu quả.
Mục tiêu của Nghị quyết đã cơ bản được hoàn thành; khẳng định Nghị quyết số 21-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, đóng góp quan trọng và thành tựu chung của cả nước thời gian qua.
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21-NQ/TW về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với tư duy, quan điểm, tầm nhìn phù hợp bối cảnh mới, nhằm đưa ra các mục tiêu, chủ trương, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW thời gian qua, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế -xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới theo định hướng: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh và bền vững, phù hợp với quy luật tự nhiên; là trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả trên cơ sở chuyển dịch nhanh mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tài nguyên đất và phát triển các chuỗi cung ứng; là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước; phát huy hiệu quả liên kết vùng, trong đó đột phá là hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi đô thị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dân trong vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Nghị quyết của Bộ Chính trị phải thể hiện những định hướng tư tưởng chỉ đạo về tầm quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, không đi vào chi tiết, cụ thể; cần thiết phải ra nghị quyết, khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa tầm quan trọng của khu vực kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Việc ra nghị quyết mới sẽ tạo được một bước chuyển biến mới, khí thế mới, bộ mặt mới với nhiều đóng góp mới cho đất nước trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư nêu rõ nếu được Bộ Chính trị thông qua, nên ban hành sớm nghị quyết, tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết, tạo sự thống nhất về nhận thức, khơi dậy, phát huy ý chí quyết tâm, khí thế mới của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, không đi theo đường mòn, vết cũ; đào tạo cán bộ, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, BCH Trung ương xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí do Ban Nội chính Trung ương trình.
Bộ Chính trị đã thống nhất đánh giá về một số kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 5 năm thực hiện Kết luận số 10- KL/TW, trong đó đánh giá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí được quan tâm, có bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống lãng phí dần đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
Bộ Chính trị nhất trí về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới.
Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, trên cơ sở đó, xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà coi trọng cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực là bao gồm cả đấu tranh phòng, chống lãng phí...
Kỷ luật một tổ chức Đảng phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân
Về Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, theo quy định hiện hành, việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện theo hai quy định khác nhau: Quy định số 07-QĐ/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, bảo đảm nguyên tắc kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi xem xét kỷ luật đảng viên phải xem xét đến trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm.
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trên cơ sở hợp nhất và kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 07-QĐ/TW và Quy định số 102-QĐ/TW, đồng thời cập nhật đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được ban hành; bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy định về việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm gồm 4 chương, 58 điều. Chương I: Quy định chung; Chương II: Xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Chương III: Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Chương IV: Điều khoản thi hành.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý đây là những vấn đề, nội dung quan trọng, cụ thể và đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị…/.
Theo TTXVN