Báo Người Lao Động đưa tin, Bộ Công an vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.
Trong dự thảo, đáng chú ý là đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) hạng B xuống còn 5 năm.
Theo đó, khoản 9 Điều 46 của dự thảo quy định giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không thời hạn.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết hiện nay GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi tài xế đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX có thời hạn 10 năm.
GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm. Các hạng GPLX ôtô khác có thời hạn 5 năm, tuy nhiên các hạng khác số lượng không nhiều mà chủ yếu là bằng lái hạng B1 và B2.
“Ở một số quốc gia, quá trình đổi bằng lái cần phải trải qua việc học, sát hạch những điều luật mới và kiểm tra sức khỏe đối với tài xế. Nếu chúng ta đổi bằng lái mà chỉ đến làm thủ tục hoặc khám sức khỏe như hiện nay thì không phát huy hiệu quả”, ông Thanh nói.
Nhận định về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam chia sẻ với VnExpress cho rằng, nếu rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và gây phiền hà cho người dân; hàng triệu người phải đi đổi lại giấy phép lái xe, trong khi quy định hiện hành đã có tính ổn định.
"Nếu buộc phải rút ngắn thời hạn của bằng lái để quản lý sức khỏe tài xế, thì phải nghiên cứu và chia theo nhóm tuổi vì người trẻ có sức khỏe tốt, ổn định hơn so với người cao tuổi", ông Quyền phân tích.