Ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Công điện số 6815/CĐ-BCT gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công điện nêu rõ, trước tình hình cơn bão số 3 gây nhiều thiệt hại và có thể gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường trong nước, nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và của UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3.
Bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão Yagi gây ra.
Chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Các Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bám sát diễn biến của thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chỉ đạo Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng.
Báo cáo ngay với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng như UBND tỉnh, thành phố tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý.
Phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão Yagi gây ra để thu lời bất chính.
Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản tỉnh, thành phố.
Chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới; đảm bảo an toàn trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão Yagi.
Duy trì chế độ trực, thông tin báo cáo theo quy định về tình hình thị trường, kịp thời nhận diện hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật thương mại mới có thể phát sinh trong điều kiện thời tiết mưa bão, lũ lụt; triển khai kiểm tra, xử lý đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp.
Đảm bảo sẵn sàng các điều kiện tốt nhất về nhân lực, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản tài sản, tài liệu và tham gia các hoạt động phòng chống bão lụt theo chỉ đạo các cấp thẩm quyền ở địa phương và đề nghị phối hợp của cơ quan liên quan.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên; giao Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nắm tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ phụ trách theo quy định.