Đây là đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2017-2021 mà hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao, theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017. Đến nay, đề án này đã bước sang năm thứ tư triển khai, thực hiện đề án.
Các cấp Hội hoạt động hiệu quả
TS. Nguyễn Văn Quyền- Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chủ trì.
Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cùng hơn 100 đại biểu thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Nam và một số tỉnh, thành phía Bắc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Hội nghị tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có ý nghĩa quan trọng, nhằm giúp cho hôi Luật gia các tỉnh, thành kịp thời nắm bắt thông tin để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Từ 50 Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành hội thì nay đã phát triển 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý trên cả nước,...
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng ghi nhận những đóng góp tích cực của hội Luật gia tại địa trong suốt thời gian qua.
Không những hội Luật gia hoạt động hiệu quả mà còn hỗ trợ rất lớn trong việc tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Ths.Ls.Dương Đình Khuyến, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý - Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Nghị định 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật đã được triển khai thi hành trong thực tiễn 12 năm qua.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở đào tạo, cơ cở nghiên cứu chuyên ngành luật… trong phạm vi cả nước.
Hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo thành viên của các tổ chức đoàn thể, các cá nhân, tổ chức.
Hiện các cấp hội có 81 trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương hội Luật gia Việt Nam. Trong đó, 10 trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội, 71 trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc các tỉnh, thành hội.
63 tỉnh, thành Hội, mỗi tỉnh thành đều có 1 trung tâm Tư vấn pháp luật. Đáng chú ý, có một số tỉnh thành có từ 2 đến 4 trung tâm Tư vấn pháp luật,…
Theo Ths.Ls.Dương Đình Khuyến, về tổ chức hoạt động của các Trung tâm, chi nhánh trung tâm Tư vấn pháp luật đã có những hoạt động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.
Từng bước đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, người thuộc đối tượng chính sách,…) thể hiện ở một số quan điểm: Khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đảm bảo quyền công dân, các quyền con người, đặc biệt là quyền tiếp cận công lý, bảo vệ người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân,…
Tuy nhiên, bên cạnh các cấp Hội đạt được cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật. Hoạt động tư vấn pháp luật trong những năm qua, tuy đã đạt được nhiều kết quả, phụ vụ cho nhiều đối tượng trong xã hội nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tư vấn pháp luật của các tầng lớp nhân dân ở cấp cơ sở.
Số lượng Trung tâm tư vấn pháp lý và người thực hiện tư vấn pháp luật còn khiêm tốn so với nhu cầu của các địa phương, đặc biệt ở các tỉnh, thành miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Các trung tâm Tư vấn pháp luật khó khăn về kinh phí hoạt động, trụ sở, phương tiện làm việc và nhân sự. Từ đó, có phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương,…
Tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và những kỹ năng truyền thông môi trường, Ls.Lê Văn Hợp, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế - pháp luật ASEAN – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, theo thống kê từ các địa phương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm.
Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh gần 70 nghìn tấn, trong đó phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng nhanh khoảng 38.000 tấn/ngày,…
Hiện nay, phương pháp chính trong xử lý/tiêu hủy chất thải rắn vẫn là chôn, lấp; ước tính 70 – 75% chất thải rắn sinh hoạt đang được xử lý theo phương pháp này.
Trước tình hình dự báo, chất thải rắn phát sinh trong thời gian tới, hội Luật gia Việt Nam đã chủ động thực hiện vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hội Luật gia Việt Nam tạo nhịp cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đến cộng đồng, xã hội.
Việc chuyển tải này thông qua việc tổ chức vận động Hội viên các cấp tích cực tham gia vào hoạt động truyền thông nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển bền vững…
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp gây ô nhiễm và các phương thức thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, Ls.Lê Văn Hợp cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm môi trường đe doạ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người gây ra diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Ô nhiễm môi trường có 3 hình thức chính: Ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí.
Cả 3 loại ô nhiễm này đều có chiều hướng ngày càng tăng, nhất là ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị lớn, khu công nghiệp,… đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trước hết là do không quan tâm đến bảo vệ môi trường,…
Ls.Lê Văn Hợp đã chỉ ra hàng loạt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, xảy ra ở nhiều nhiều nơi. Liên quan đến tình trạng này, cần áp các hình thức xử phạt, cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Nhất là gây ra thiệt hại về môi trường, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng tài sản của con người, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, khi bị thiệt hại do hành vi ô nhiễm môi trường, thì thực hiện đòi quyền thiệt hại do hành vi này. Từ đó, mỗi người cần có trách nhiệm bảo vệ môi trường,…
TS.Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, sự cần thiết ban hành Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án có ý nghĩa lớn.
Việc này, không chỉ giúp những tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn được giải quyết, mà còn giúp cho các bên hiểu biết lẫn nhau.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành 2 nhóm: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng.
Mỗi phương thức hòa giải, đối thoại đều có ý nghĩa, tầm quan trọng trong giải quyết tranh chấp. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, gồm 4 Chương, 42 điều.
Mục đích việc xây dựng luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đạt được các mục đích cơ bản: Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tăng tỉ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại,…
Chống tham nhũng như chống “giặc nội xâm”
Đề án thứ hai “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giao đoạn 2019-2021 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, giao nhiệm vụ cho hội Luật gia Việt Nam chỉ đạo tuyên truyền.
Đề án này được PGS.TS.Chu Hồng Thanh, khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tại hội nghị.
Theo PGS.TS.Chu Hồng Thanh, tội phạm về tham nhũng được hiểu là tội phạm về chức vụ. Trong đó, người phạm tội vì tư lợi, hoặc động cơ cá nhân có hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt lợi ích của Nhà nước, của xã hội, vì lợi ích hợp pháp của công dân.
Các tội phạm trong bộ luật hình sự bao gồm 7 tội danh: Tội tham ô tài sản; Tội nhân hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Tội lạm quyền trong thi hành công vụ; Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn đối với người khác để trục lợi; Tội giả mạo trong công tác.
Tội tham nhũng không chỉ dừng lại việc phá bỏ sự trong sạch, liêm chính mà còn gây thất thoát về mặt vật chất rất to lớn, ảnh hưởng đến đất nước. “Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ chúng ta”,PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng khẳng định.
PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh phân tích, một Nhà nước mà phục vụ nhân dân không thể chấp nhận tham nhũng, vụ lợi là trái với công quyền. So với các lỗi khác, thì hành vi tham nhũng là cố ý, chứ không hề vô ý, đây là sự tha hóa quyền lực.
Tham nhũng là căn bệnh “khuyết tật” mà “khuyết tật” thì khắc phục nó sẽ cực kỳ khó khăn. Mặc dù, ta có thể nỗ lực đến mấy thì chỉ có thể giảm thiểu tham nhũng, chứng không thể phá bỏ triệt để.
Có những đất nước làm bộ máy không thể có điều kiện tham nhũng, thì thái độ của họ phải cương quyết chống tham nhũng, cương quyết loại bỏ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội để xây dựng một Nhà nước liêm chính, kinh tế phát triển, phục vụ nhân dân.
Do vậy, đối với tham nhũng phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện sự cương quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả của người có quyền lực, chức vụ quyền hạn.
Đối với tội tham nhũng, có thể nói là hình phạt rất khiêm khắc. Phần lớn nhóm các tội phạm tham nhũng phải nhận hình phạt cao nhất là chung thân, hoặc tử hình.
PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh, chống tham nhũng như chống “giặc nội xâm”. Do là “giặc” nên luôn luôn cảnh giác, luôn luôn chú ý và làm một cách bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, liên tục.
Chống tham nhũng được xác định là rất khó khăn, phức tạp, nhiệm vụ có tính chất chiến lược lâu dài, chứ không phải là chỉ một vài vụ việc và xây dựng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ.
Thực hiện tốt công tác truyền thông, báo chí phải vào cuộc chống tham nhũng. Theo kinh nghiệm của các nước, phải lấy công cụ truyền thông trong công cuộc chống tham nhũng. Đồng thời, phải tiến tới chống tham nhũng vặt và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch,…
Tại Hội nghị tập huấn, đại diện đơn vị hội Luật gia các tỉnh, thành đã tích cực đưa ra những ý kiến thắc mắc, cũng như đóng góp, bổ sung. Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã lần lượt trả lời những ý kiến thắc mắc của các vị hội Luật gia các tỉnh, thành.
Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam mong muốn, các cấp Hội hoạt động ngày càng tích cực, hiệu quả hơn, đúng vai trò, trách nhiệm, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do dân và vì nhân dân.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền tặng quà lưu niệm Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng.