Tại hội thảo đã có 10 lượt ý kiến đóng góp trực tiếp, tập trung vào các nội dung: Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các trường hợp và các tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được quy định trong Dự thảo Luật; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quy định liên quan đến việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất…
Theo ông Đinh Quang Cử, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nhìn chung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cụ thể hóa, thể chế hóa, thể hiện rõ được các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đất đai. Các quy định trong Dự thảo Luật có sự kế thừa nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật; phù hợp với các quy định của Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Nhiều vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai những năm qua đã được nêu ra và có phương hướng giải quyết phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành, giải pháap tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao giá trị, hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các chế định được sửa đổi, bổ sung đã cơ bản giải quyết, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về đất đai.
Đóng góp ý kiến cụ thể vào Chương VI về thu hồi đất, trưng dụng đất, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng: Điều 82 quy định về thẩm quyền thu hồi đất, trong đó khoản 1 quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, khoản 2 quy định thẩm quyền của UBND cấp huyện. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có nhiều đối tượng, gồm đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp tỉnh và đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện thì điểm d khoản 2 Điều 82 về thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện, thì UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất trong khu vực có cả đối tượng thu hồi tại khoản 1 và các điểm a, b, c khoản 2. Như vậy, thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện trùng với thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp tỉnh và chưa rõ ràng. Do đó, cần sửa điểm d khoản 2 thành "Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 điều này và các điểm a, b, c khoản này thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất".
Tại khoản 1 Điều 83 của dự thảo Luật quy định: "1. Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Nội dung thông báo thu hồi đất gồm có lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi; kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư." Tại khoản này, phía sau cụm từ "kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất" cần bổ sung thêm cụm từ "vị trí khu đất dự kiến tái định canh, định cư".
Về thời hạn thông báo thu hồi đất tại Điều 87 Dự thảo, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cần bổ sung quy định về hiệu lực của thông báo. Bởi thực tế hiện nay, nhiều dự án đã thông báo thu hồi rất nhiều năm nhưng không cơ quan nào tiến hành thực hiện thu hồi, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Cũng liên quan đến nội dung thu hồi đất, đại diện Sở Tư pháp tỉnh có những góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, tại Điều 78 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng), đề nghị xem xét lại nội dung giải thích khái niệm "dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" ở đoạn đầu điều này, vì trình bày dài nhưng thiếu dấu hiệu, đặc điểm cần thiết để phân biệt với các dự án khác. Đồng thời, đại biểu này đề nghị xem xét lại sự cần thiết, vì Dự thảo đã trình bày các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo Dự thảo, Nhà nước thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn sử dụng gắn với điều kiện đất bị thu hồi không phải là đất ở và thu hồi để tạo quỹ đất đấu giá hoặc đấu thầu. Như vậy, các trường hợp thu hồi đất mở rộng khá nhiều so với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế cần xem xét thêm đối với những dự án có thể có tỷ lệ đất ở rất ít (ví dụ đất phi nông nghiệp trong khu đô thị) vì nếu theo Dự thảo thì trường hợp này phải có nhà đầu tư thỏa thuận mới thực hiện được việc thu hồi đất và triển khai dự án. Hoặc ngược lại, nếu chỉ có đất không phải đất ở, Nhà nước bỏ kinh phí thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thì có thể rất lâu mới triển khai được dự án, nhất là đối với các địa phương thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.
Tại Điều 84 (Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi). Khoản 2 Dự thảo Luật quy định "Cơ quan được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất do Nhà nước đã thu hồi nhưng chưa giao, chưa cho thuê", đại diện Sở Tư pháp đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể về cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để tăng tính trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác hiệu quả đối với quỹ đất này...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh nhấn mạnh: UBND tỉnh tiếp thu tất cả các ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các ý kiến, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo đủ nội dung và đúng thời gian quy định. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, góp ý và gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, góp ý tại các phiên thảo luận của Quốc hội.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/can-bo-sung-quy-dinh-ve-hieu-luc-cua-thong-bao-thu-hoi-dat-20230308213903377.htm