Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Cần khẩn trương sửa Luật Giao thông đường bộ

Cần khẩn trương sửa Luật Giao thông đường bộ
Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cần ưu tiên và tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến đường bộ. Đặc biệt, phải tập trung xây dựng sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để tạo hành lang pháp lý bền vững cho những mô hình phát triển mới, phù hợp với thực tiễn.

Cần khẩn trương sửa Luật Giao thông đường bộ
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 của Cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: VGP/PT

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 của Cục Đường bộ Việt Nam. 

Đường bộ là lĩnh vực có tác động rất lớn đến

Đánh giá cao việc Cục Đường bộ Việt Nam đã nhanh chóng ổn định hoạt động (sau khi chuyển đổi mô hình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc), Thứ trưởng cho rằng, việc chuyển đổi thành công thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của cán bộ, người lao động Cục Đường bộ Việt Nam.

"Đường bộ là lĩnh vực có tác động lớn đến xã hội, do vậy, Cục Đường bộ Việt Nam cần nhận thức rõ trách nhiệm, cân nhắc kỹ càng mọi quyết định", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Chỉ rõ hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong các mặt của ngành đường bộ, như chiến lược, cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì, vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói: Vận tải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay chi phí vận tải vẫn chiếm tỉ lệ cao trong chi phí logicstics do việc kết nối các phương thức vận tải còn nhiều hạn chế.

Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. Trước mắt là tập trung xây dựng sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, tạo hành lang pháp lý bền vững cho mô hình phát triển mới. Trong đó, cần có tư duy mới về mô hình, chức năng, nhiệm vụ của ngành đường bộ.

Ngành đường bộ hiện mới chỉ có 2 cơ chế là vận tải khách công cộng và đầu tư bến xe. Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động nguồn lực đầu tư phát triển theo quy hoạch, dài hạn. 

"Công tác bảo trì đường bộ vốn là công việc có tính đặc thù cao trong khi nguồn lực từ ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, khi thực hiện cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, nâng cấp mở rộng các tuyến đường để đảm bảo sự êm thuận, bền vững", Thứ trưởng nêu rõ.

Cần khẩn trương sửa Luật Giao thông đường bộ
Cục Đường bộ tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trong công tác bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận: Trong 5 lĩnh vực giao thông, đường bộ đã tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trong công tác bảo trì đường bộ. Nếu ứng dụng tốt khoa học công nghệ trong bảo trì sẽ giải quyết được các hạn chế về lao động thủ công hiện nay. Đồng thời, cũng cần áp dụng mô hình bảo trì có ứng dụng cơ khí hóa, hiện đại hóa và áp dụng công nghệ trong quản lý bảo trì đường bộ.

Cục Đường bộ cũng cần nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm dữ liệu của ngành bởi ngành đường bộ đang có nhiều loại dữ liệu, như đào tạo lái xe, vận tải, dữ liệu cầu đường... nhưng còn manh mún, phân tán. "Đây sẽ là khâu đột phá của ngành nếu thực hiện thành công", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.

Hơn 14.000 xe quá tải bị xử lý

Trước đó, kết quả của ngành đường bộ trong năm 2022, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, năm 2022, về công tác bảo trì đường bộ, Cục được giao gần 10.500 tỷ đồng để bảo trì hơn 25.000 km quốc lộ. Đến ngày 15/12, giá trị đã giải ngân hơn 9.500 tỷ đồng, đạt 91%, đến hết tháng 12/2022 sẽ hoàn thành 100% dự toán chi năm 2022.

Đối với Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), hiện Cục Đường bộ đang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, hoàn thiện hồ sơ của dự án Luật để chuẩn bị làm các bước tiếp theo khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT. 

Liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông, ông Cường cho biết, năm qua, Cục đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 26 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; bổ sung gần 700 km hộ lan, bổ sung sơn kẻ đường, biển báo đường bộ; sửa chữa kịp thời các công trình đường bộ bị hư hỏng; bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện đợt cao điểm xử lý xe quá tải tại khu vực, tuyến đường có nhiều phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng. Tính đến hết tháng 11/12, Cục Đường bộ đã kiểm tra hơn 89.000 xe, phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm. Xử lý tước 2.244 giấy phép lái xe; xử phạt nộp kho bạc hơn 82 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Cục Đường bộ đã hoàn thành thu phí điện tử tự động không dừng trên toàn quốc, có 147 trạm thu phí với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng; các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng hoàn toàn từ ngày 1/8/2022. Đến 1/12, có hơn 4,2 triệu phương tiện trên toàn quốc đã dán thẻ đầu cuối, đạt tỉ lệ 92%.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/can-khan-truong-sua-luat-giao-thong-duong-bo-102221222192946273.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26959 sec| 646.688 kb