Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân

Chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân
Chiều 9/6, Quốc hội hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 3, khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao, giàu tính xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Làm rõ những vấn đề khó, phức tạp, cần sớm giải quyết

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội lựa chọn 4 nhóm lĩnh vực để chất vấn, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải. Nội dung chất vấn đều là những vấn đề khó, phức tạp, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận cả nước quan tâm, mong muốn cần sớm giải quyết.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nội dung các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn tập trung vào những vấn đề nóng như: Tình trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, thức ăn chăn nuôi giả; nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam; kiểm soát giá vật tư nông nghiệp; mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề xây dựng thị trường quốc tế cho nông sản Việt Nam; việc triển khai Nghị quyết số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản.

Nhóm vấn đề về tài chính cũng làm “nóng” nghị trường bởi đây là lĩnh vực trọng yếu, liên quan tới việc nắm giữ “hầu bao”, “ngân khố” của quốc gia và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - của đất nước. Các đại biểu đặt câu hỏi về nhiều vấn đề nóng, thậm chí rất nóng đang được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi như: Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; tình trạng xe biếu, tặng thời gian qua; vấn đề giá sách giáo khoa, giá xăng dầu…

Trong phần chất vấn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, các đại biểu tập trung vào những vấn về như: Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; tín dụng, lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Trong lĩnh vực ngân hàng, nghị trường sôi nổi khi đại biểu nêu những câu hỏi liên quan tới cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tài chính vi mô; thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; hành lang pháp lý đối với tình trạng cho vay qua trang web…

Ở nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải, không khí chất vấn, tranh luận sôi nổi khi các đại biểu dồn dập đặt câu hỏi, tích cực tranh luận về tình trạng các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự án giao thông sử dụng ngân sách nhà nước, phần lớn đều chậm tiến độ. Việc chậm tiến độ các dự án giao thông quan trọng đã làm tăng tổng mức đầu tư từ 1,5 đến 2,5 lần hoặc nhiều hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu, làm giảm hiệu quả đầu tư. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT…

Qua 2,5 ngày thực hiện chất vấn, đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 131 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện phiên chất vấn, trong đó có 34 đại biểu đặt câu hỏi đối với Phó tướng Chính phủ; 28 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm. Đối với các đại biểu Quốc hội hỏi nhưng chưa có thời gian để thực hiện chất vấn và 133 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.

Có thể thấy đó đều là những vấn đề nóng bỏng của đời sống, đang được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ: “Bám sát hiện thực khách quan, lắng nghe hơi thở cuộc sống”.

Dân chủ, thẳng thắn, trực diện

Theo dõi 2,5 ngày tiến hành chất vấn, có thể thấy, cả 4 lĩnh vực đều được đại biểu chất vấn thẳng thắn, trực diện, có sự trao đi đổi lại. Những câu hỏi mà đại biểu Quốc hội mang đến nghị trường đã cho thấy trách nhiệm của những người được nhân dân ủy thác thay dân nói lên nguyện vọng của mình. Và qua quá trình chất vấn và trả lời chất vấn giữa các đại biểu với các Bộ trưởng, "Tư lệnh" ngành, người dân có thể giám sát, đánh giá năng lực của các Bộ trưởng, đồng thời cũng đánh giá cả đại biểu Quốc hội trước các vấn đề người dân quan tâm.

Đã không ít lần, không khí nghị trường “nóng bỏng” bởi đại biểu Quốc hội không ngại ngần đặt những câu hỏi là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là tình trạng “được mùa mất giá”, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế, xã hội; là những vấn đề chung quanh “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Hay tại phiên chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực tài chính, các đại biểu dồn dập đặt câu hỏi, tích cực tranh luận với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về vấn đề giá xăng dầu; xe biếu tặng; trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thị trường chứng khoán, nhất là vừa qua thị trường này để xảy ra nhiều vi phạm.

Sự thẳng thắn, dân chủ ở nghị trường thể hiện rõ khi đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chưa hài lòng với phần trả lời của Tư lệnh ngành, đã tranh luận và nêu rõ: “Tôi chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu”. Theo đại biểu: “Kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho nên can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều, tôi cho là không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá đó tự nhiên theo giá tăng - giảm của thế giới, chúng ta có can thiệp thì can thiệp phần nào thôi”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) khi chất vấn về giải pháp quản lý để trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực, cũng thẳng thắn: “Phải chăng chúng ta vừa qua có sự buông lỏng và phải chăng những cảnh báo của Bộ Tài chính như Bộ trưởng nói là không có hiệu quả?”.

Trả lời chất vấn, các "Tư lệnh" ngành cũng làm rõ, giải trình các vấn đề đại biểu nêu. Như ở lĩnh vực tài chính, trước những vấn đề về doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc không chỉ trả lời chất vấn mà còn “hiến kế”, giải pháp để gỡ “nút thắt” liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - nguồn cơn của nhiều vi phạm xảy ra thời gian qua. Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp hướng doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải hoạt động đúng ngành nghề được phê duyệt, nếu không còn nhu cầu sử dụng đất phải trả Nhà nước nhằm ngăn chặn thâu tóm đất công bằng "bình phong" cổ phần hóa... Trong đó, đề cập giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh trạng thái "rùa bò" trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành khác để sửa đổi Nghị định 32/2018/NĐ-CP.

Các Bộ trưởng cho dù là người mới trả lời chất vấn lần đầu như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hay đã có nhiều trả lời chất vấn như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp; trong đó có những vấn đề đã tồn tại qua nhiều kỳ họp đã được trả lời một cách tương đối đầy đủ.

Cùng với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và , Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phần trả lời chất vấn được thực hiện với ý thức trách nhiệm cao, nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu trong quá trình chất vấn, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình, lĩnh vực mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự tán thành, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước. Ở vị trí Chủ tọa, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội và cử tri.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, những nội dung mà dư luận quan tâm, được Chủ tịch Quốc hội nắm rất sát nên đã có những gợi mở phù hợp để các Bộ trưởng trả lời đúng và trúng, khiến các đại biểu Quốc hội rất hài lòng. Đại biểu kỳ vọng sau phiên chất vấn, những vấn đề mang tính “nút thắt” sẽ được giải quyết dựa trên những giải pháp cụ thể mà các "Tư lệnh" ngành đã đưa ra.

Quan tâm và theo dõi kỹ chương trình chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, cử tri Nguyễn Hữu Lâm, cựu chiến binh Phường 15, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tại các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành rất khoa học, linh hoạt, kỹ lưỡng các nội dung. Sau mỗi ý kiến trả lời chất vấn, Chủ tọa đã tổng hợp tóm tắt nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, nêu những nội dung mà các thành viên Chính phủ chưa trả lời đúng ý kiến của đại biểu Quốc hội, từ đó gợi mở ý kiến trả lời bổ sung thêm.

“Hoạt động chất vấn, tranh luận và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành liên quan là một việc làm đúng đắn, rất tích cực của Quốc hội, giúp khẳng định được trách nhiệm của Quốc hội với tư cách cơ quan lập pháp tối cao và thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri cả nước”, cử tri Nguyễn Hữu Lâm nhấn mạnh.

Cử tri Dương Ngọc Ẩn, ngụ tại Phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An nhận xét, không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất nghiêm túc. Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội có trọng tâm. Phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng là rõ ràng, đầy đủ.

Cử tri Nguyễn Văn Hiếu, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, Chủ tọa điều hành rất linh hoạt, phân bổ thời lượng câu hỏi và thời gian hợp lý giữa nội dung hỏi và nội dung trả lời. Đặc biệt, với những câu hỏi quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh để các "Tư lệnh" ngành nghiên cứu kỹ, trả lời thỏa đáng cho đại biểu và các cử tri.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, qua phiên chất vấn cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đã quán triệt đầy đủ các nguyên tắc về cách thức hỏi, trả lời chất vấn và cách thức trao đổi, cách thức tranh luận đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Cùng với đó, từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của mình, các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, phản ánh sát diễn biến thực tế đời sống và nguyện vọng của cử tri và nhân dân với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính, xây dựng, sử dụng tối đa, hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, diễn biến phiên chất vấn lần này cho thấy, các nội dung lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn là đúng và trúng những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách đầy đủ và căn cơ, cũng có nhiều vấn đề mới phát sinh. Do đó, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội. của phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Sau kỳ họp này và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo TTXVN

Link gốc: https://baotintuc.vn/thoi-su/chat-van-tai-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-xv-dap-ung-yeu-cau-mong-moi-cua-cu-tri-nhan-dan-20220609202750160.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.54036 sec| 694.766 kb