Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/02

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/02
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/02/.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/02
Thủ tướng nhấn mạnh, Phú Yên cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, "vượt qua chính mình", đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 20/TB-VPCP ngày 3/2/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên.

Phú Yên là nơi "Đất phú Trời yên", tên gọi Phú Yên thể hiện khát vọng "bình yên và phú quý", nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của nước ta, có vị trí địa lý quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với các tuyến giao thông khá đồng bộ từ đường sắt, đường bộ, hàng không, đường sông, đường biển; có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển.

Trong năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức và đại dịch COVID-19 còn tác động đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên đã rất cố gắng, nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn và đạt nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, cụ thể: 13/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) là 7,46%.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành quả về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Yên đã đạt được trong năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, như: chưa tạo được đột phá để phát triển; quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng còn chậm so với bình quân của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa thu hút được các dự án quy mô lớn tạo đột phá cho phát triển; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; ...

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao phương châm phát triển "1 mũi nhọn, 2 hành lang, 3 trụ cột, 4 nền tảng, 5 nhiệm vụ trọng tâm". Phú Yên cần huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023 tốt hơn năm 2022, khắc phục khó khăn, thách thức, giải quyết được mâu thuẫn giữa tiềm năng, lợi thế với cơ chế, chính sách và nguồn lực còn hạn hẹp, bất cập trong kết nối liên thông hạ tầng.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, tỉnh Phú Yên phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; phối hợp với các bộ, các ngành để tìm ra cơ chế, chính sách, con đường đi tốt nhất, phải chủ động linh hoạt sáng tạo.

Tiếp tục coi trọng, tập trung, đẩy mạnh công tác quy hoạch; quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược, còn việc thực hiện, đầu tư có thể phân kỳ; quy hoạch phải chỉ ra và phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục hạn chế, bất cập; trong quy hoạch phải dành những vị trí thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh tạo của cải vật chất, việc làm; nghiên cứu nguồn lực để thực hiện quy hoạch theo phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên, phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, ; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức, phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Về nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa; tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; tăng cường liên kết vùng để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh; chú trọng xây dựng thương hiệu Phú Yên, nhất là thương hiệu du lịch Phú Yên. Phấn đấu xây dựng thành phố Tuy Hòa là thành phố sạch đẹp nhất cả nước.

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ. Tăng cường liên kết vùng để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh; chú trọng xây dựng thương hiệu Phú Yên.

Đổi mới tư duy, cách làm, hướng tới sự bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung hoàn thành hạ tầng cho phát triển công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu kinh tế Nam Phú Yên…, thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành có lợi thế.

Phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao; nâng cao hiệu quả đánh bắt, nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, làm động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tỉnh Phú Yên tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân không chỉ theo hình thức mua mà còn cả các hình thức thuê, thuê mua, đảm bảo gắn với nhu cầu thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch nhà ở trong từng giai đoạn của tỉnh.

Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự biên giới biển, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh truyền thông chính sách là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận, người dân hiểu rõ, đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Với định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng Phú Yên sẽ mạnh mẽ vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đạt được mục tiêu đã đề ra đến năm 2050 "Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại".

  Bổ sung 4 khu công nghiệp tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 16/TTg-CN ngày 3/2/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

4 Khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam gồm: Đồng Văn V (diện tích quy hoạch 250 ha ở Phường Tiên Nội, xã Tiên Ngoại và xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Đồng Văn VI (diện tích quy hoạch 250 ha ở các xã: Tiên Ngoại, Yên Nam và Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Kim Bảng I (diện tích quy hoạch 230 ha ở các xã: Lê Hồ, Đại Cương và Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và Châu Giang I (diện tích quy hoạch 210 ha ở phường Châu Giang, xã Mộc Nam, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các văn bản số 469/TTg-CN ngày 03/4/2017 và số 363/TTg-CN ngày 20/4/2022 không thay đổi.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu ; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển 04 khu công nghiệp: Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, cập nhật vị trí và quy mô diện tích của 04 khu công nghiệp: Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I vào quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025 tỉnh Hà Nam; chỉ đạo phân kỳ đầu tư để đảm bảo chỉ tiêu đất của 04 khu công nghiệp này nằm trong chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Hà Nam và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc lập các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần có sự tính toán và cân nhắc kỹ về khả năng thu hút đầu tư, hiệu quả sử dụng quỹ đất khu công nghiệp trên địa bàn, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình khu công nghiệp mới. 

Việc phát triển các khu công nghiệp cần gắn với sắp xếp, phân bổ không gian phát triển của tỉnh Hà Nam một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực cho phát triển bển vững về kinh tế-xã hội-môi trường, đảm bảo các điều kiện để triển khai các khu công nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới và sáng tạo, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và tài nguyên (đất đai, nước, năng lượng), có sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam và tỉnh Hà Nam trong từng thời kỳ.

Bảo đảm việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa và các loại đất nông nghiệp khác nằm trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp còn lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho tỉnh Hà Nam, thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; có giải pháp ổn định và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng.

  Một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 625/VPCP-QHĐP ngày 3/2/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về kết quả thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế làm việc của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan là chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia chủ động, tích cực phối hợp với đồng chí Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc để xây dựng, ban hành và rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn; hoàn thành đầy đủ các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thống nhất về nội dung trong Quý I năm 2023.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan Chủ quản Chương trình mục tiêu quốc gia và cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ sau:

- Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Chỉ đạo Trung ương); hoàn thành trước ngày 10/2/2023.

- Xây dựng Kế hoạch và chuẩn bị tài liệu, dự thảo Báo cáo, bài phát biểu phục vụ Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng Đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại 03 Vùng: Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong thời gian từ nay đến ngày 20/2/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/2/2023.

- Chuẩn bị tài liệu, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương trực tuyến với các địa phương vào cuối tháng 2/2023, trong đó tập trung đề xuất cơ quan chủ trì, nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành các giải pháp để hoàn thiện khung chính sách và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Khẩn trương xây dựng Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương, trình Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 20 tháng 02 năm 2023 để báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương tại Phiên họp thứ 3 vào cuối tháng 2 năm 2023; trong đó lưu ý xây dựng Kế hoạch cụ thể để kiểm tra, giám sát, theo dõi định kỳ, đột xuất tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.

- Theo dõi chung, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ được giao liên quan tới triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, định kỳ hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; hoàn thành trong Quý I/2023.

Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn thành trước ngày 15/2/2023.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý vận hành công trình, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý trước ngày 15/2/2023./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-03-02-102230204090311112.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25463 sec| 706.219 kb