Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5.

Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở.

Nghị định giải thích rõ: Thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp đến người dân thông qua các loại hình thông tin: đài truyền thanh cấp xã; bảng tin công cộng; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; cổng hoặc trang thông tin điện tử; mạng , ứng dụng nhắn tin trên Internet; tin nhắn viễn thông.

Hoạt động thông tin cơ sở là hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu; tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân thông qua các loại hình thông tin quy định nêu trên.

Cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân

Hoạt động thông tin cơ sở phải bảo đảm nguyên tắc thông tin kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân.

Tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân; tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân.

Nghị định cũng nêu rõ: Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền, kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở cho người tham gia hoạt động thông tin cơ sở.

Nghị định quy định cụ thể thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở gồm:

1. Thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương, những sự kiện quan trọng liên quan đến người dân ở địa phương.

2. Những thông tin liên quan đến người dân ở địa phương:

a) Thông tin về dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương;

b) Thông tin liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Thông tin liên quan đến , trật tự, an toàn xã hội và công tác ở địa phương;

d) Thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; hỏa hoạn; cấp cứu, dịch bệnh; thảm họa xảy ra ở địa phương hoặc có ảnh hưởng đến địa phương;

đ) Thông tin về gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực;

e) Thông tin các biện pháp đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

g) Thông tin sản phẩm, dịch vụ cần thiết phục vụ sản xuất và của người dân ở địa phương.

3. Những thông tin khác theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

8 loại hình hoạt động thông tin cơ sở

Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở theo 8 loại hình:

1- Đài truyền thanh cấp xã;

2- Bảng tin công cộng;

3- Bản tin thông tin cơ sở;

4- Tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở;

5- Tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở;

6- Tuyên truyền trên cổng hoặc trang thông tin điện tử;

7- Tuyên truyền qua và ứng dụng nhắn tin trên Internet;

8- Tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông.

Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 9/5/2024 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch đặt mục tiêu: 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia (các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia). 149 khu vực ở vùng biển (59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản) và 119 khu vực nội địa (66 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn) được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Đối với khai thác thủy sản phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản như sau: Nghề lưới kéo chiếm 10,0%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3,0%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%...

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Tổ chức quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển

Định hướng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là: Phục hồi nguồn lợi thủy sản đặc biệt các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản đặc hữu; tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực ở vùng nội địa và vùng biển.

Tăng quy mô, diện tích các khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập mới và tổ chức quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển; gắn bảo tồn với phát triển du dịch sinh thái biển, góp phần bảo vệ, sử dụng bền vững hệ sinh thái biển và các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ không gian di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, phát triển kinh tế du lịch biển.

Xác định các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn là khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu trên các vùng biển.

Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển

Định hướng quy hoạch khai thác thủy sản: Giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trên biển; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá .

Củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; tổ chức sản xuất thủy sản khai thác theo chuỗi giá trị, chú trọng tăng về giá trị sản xuất. Đến năm 2030, khoảng 80% tàu cá khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng khơi tham gia chuỗi liên kết sản xuất trên biển...

Thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư 

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 400/QĐ-TTg ngày 10/5/2024 thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo Quyết định số 400/QĐ-TTg, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Quốc phòng, Công an và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Quyết định số 400/QĐ-TTg nêu rõ: Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành; trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành được thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Hội đồng được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng. Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính ngày 8/5/2024 

 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 210/TB-VPCP ngày 10/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, địa phương đã vượt qua khó khăn, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời ghi nhận vai trò tham gia của các cơ quan thành viên Hội đồng kịp thời thông tin các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai một số nhiệm vụ của bộ, địa phương còn chậm làm ảnh hưởng đến nỗ lực cải cách chung của Chính phủ.

Để khắc phục các hạn chế trên, Phó Thủ tướng đã đưa ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Cụ thể, về cải cách các quy định, TTHC, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022, Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, nhận diện và xây dựng danh mục TTHC nội bộ thực hiện tại bộ, địa phương trong văn bản do bộ, cơ quan tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2024 để tổng hợp, gửi các bộ, địa phương công bố, rà soát.

Các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ để cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và phân cấp giải quyết TTHC nhằm thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo danh mục tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 5/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp.

Cấu trúc lại quy trình các TTHC, dịch vụ công theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Về cải cách việc thực hiện TTHC, các bộ, ngành, địa phương:

- Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC theo quy định; 100% hồ sơ TTHC phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cấu trúc lại quy trình các TTHC, dịch vụ công theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

- Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và đẩy mạnh việc khai thác, tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa. Kịp thời rà soát, nâng cấp các trang thiết bị đầu cuối tại bộ phận một cửa các cấp đáp ứng yêu cầu số hóa, tái sử dụng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ.

- Rà soát, nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng việc kết nối, , đồng bộ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

- Xử lý dứt điểm các "điểm nghẽn" trong thực hiện Đề án 06 tại bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với nhóm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu/bổ sung/tạm vắng/chuyển đi, chuyển đến khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo tiến độ đề ra tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cấp, hiệu chỉnh Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung để thực hiện đồng bộ tại các Cơ quan đại diện và Bộ Ngoại giao theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 6 năm 2024.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện.

Nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia

Văn phòng Chính phủ khẩn trương nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu, thanh toán trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương cũng như khả năng trải nghiệm, tương tác với người dùng.

UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện tài liệu mô hình mẫu về bộ phận một cửa; tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại 01 địa điểm trên cơ sở ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tính chuyên nghiệp và đề cao trách nhiệm của bộ phận một cửa trong giám sát, đôn đốc việc giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.

Cơ quan thường trực Tổ công tác - Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn gửi Tổ công tác; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý tháo gỡ những vướng mắc, bất cập theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổng hợp những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác xem xét chỉ đạo.

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3175/VPCP-KGVX ngày 10/5/2024 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu.

Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả thực hiện Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Đồng thời, các Bộ trên khẩn trương rà soát, hoàn thiện trong tháng 5/2024 các quy định liên quan của Bộ, bảo đảm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định nhằm khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sản xuất được./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-10-5-102240511090428443.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.44643 sec| 706.203 kb