Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4/2024

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4/2024
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4/2024.

Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm:

a) Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

b) Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

c) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

d) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

đ) Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với các phương thức quy định tại các điểm a, b, c và d ở trên, Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung chủ yếu của Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Mẫu số 02Đ tại Phụ lục kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP. Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

Nghị định nêu rõ trường hợp áp dụng phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại các điểm b, c và d mà phải thuê lập Đề án khai thác tài sản thì chi phí thuê tư vấn lập Đề án khai thác tài sản được tạm ứng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của cơ quan quản lý tài sản và được trừ vào tiền thu được từ khai thác tài sản. Việc lựa chọn đơn vị thuê tư vấn lập Đề án khai thác tài sản thực hiện theo quy định.

Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Trong đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).

Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, quốc gia; Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.

Về thẩm quyền phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Nghị định nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.

Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải doanh thu hằng năm

Nghị định quy định: Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có quyền tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết. Quyết định phương thức, biện pháp khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và hợp đồng ký kết. Được thu phí sử dụng đường bộ và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.

Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nghĩa vụ sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, nhiệm vụ của tài sản; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác. Thực hiện bảo trì công trình thuộc tài sản theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bên nhận chuyển nhượng cũng có nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản (bao gồm cả khoản tiền nộp bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 9 Điều này) đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà Bên nhận chuyển nhượng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ thì phải nộp phạt hợp đồng; mức phạt tương đương với mức tiền chậm nộp xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Hằng năm, Bên nhận chuyển nhượng phải báo cáo doanh thu từ việc khai thác tài sản nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định, gửi Bên chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ), Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định:

1. Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này.

2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ.

3. Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.

Ngoài 3 nguyên tắc trên, Nghị định 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc: Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.

Nguyên tắc này nhằm hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo.

Sửa đổi, bổ sung điều kiện vay vốn

Bên cạnh đó, Nghị định 45/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về khoản 1,2,3 Điều 16 về điều kiện vay vốn. Theo đó:

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và đảm bảo phù hợp với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

c) Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;

d) Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Nghị định này.

2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tham gia cụm liên kết ngành theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi trong ngành, lĩnh vực của cụm liên kết ngành;

c) Đáp ứng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tham gia chuỗi giá trị theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và có sản phẩm thuộc chuỗi giá trị;

c) Đáp ứng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này.

Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26/4/2024 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao. Góp phần chính trong nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - , sản xuất kinh doanh và của nhân dân với giá điện hợp lý, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn.

Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho EVN là chỉ đạo công tác vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo an ninh cung cấp điện. Thực hiện nhiệm vụ chính trị giữ vai trò chính trong bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao theo Quy hoạch phát triển điện lực và các khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình quan trọng, trọng điểm, cấp bách như công trình đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); xây dựng lưới điện thông minh, hiệu quả đồng bộ với nguồn điện và cung cấp điện cho phụ tải. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình điện.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển và vận hành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam theo các cấp độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; sớm triển khai và thúc đẩy vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thực hiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải tới khâu phân phối.

Các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch 5 năm 2021-2025:

- Điện sản xuất và mua: 1.404.891 triệu kWh

- Điện thương phẩm: 1.288.064 kWh

- Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: Phấn đấu giảm còn 6% vào năm 2025

- Lợi nhuận định mức trên vốn chủ sở hữu: 3%

- Nhu cầu vốn đầu tư: 479.000 tỷ đồng

Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân khoảng 7%/năm

Quyết định nêu cụ thể kế hoạch triển khai các lĩnh vực: Cung ứng điện; đầu tư phát triển nguồn điện; đầu tư phát triển lưới điện; đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo.

Trong lĩnh vực cung ứng điện, kế hoạch đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7%/năm (trong đó tăng trưởng điện thương phẩm các năm 2022 - 2025 khoảng 7,82%/năm). Chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.

Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện: Khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Đưa vào vận hành 04 dự án nguồn điện với tổng công suất 840 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm để đưa vào phát điện 06 dự án còn lại trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng công suất khoảng 5.803 MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR; nhiệt điện Dung Quất I&III, LNG Quảng Trạch II, thủy điện tích năng Bắc Ái.

Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng các nhà máy thuỷ điện hiện hữu, các nhà máy thủy điện tích năng và các dự án nguồn điện sử dụng khí hoá lỏng theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu còn lại (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), nhà máy thủy điện cột nước thấp… để có đủ cơ sở báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận đưa vào Quy hoạch/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Tập trung hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024

Lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện: Đầu tư các công trình lưới điện 500 - 220 kV được giao trong Quy hoạch điện VIII, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km và tổng dung lượng TBA khoảng 63.000 MVA. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024.

Lĩnh vực đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo: Triển khai đầu tư các dự án cấp điện nông thôn tại các địa phương được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp mục tiêu Chương trình và khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục bố trí các nguồn vốn để cải tạo, mở rộng lưới điện hiện hữu, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện của người dân và các doanh nghiệp.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập Đoàn là 479.000 tỷ đồng

Quyết định nêu rõ, Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 479.000 tỷ đồng gồm:

+ Vốn đầu tư thuần: 278.215 tỷ đồng

+ Góp vốn các dự án điện: 1.455 tỷ đồng

+ Trả nợ gốc và lãi vay: 199.330 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư Công ty Mẹ EVN là 99.950 tỷ đồng, gồm:

+ Vốn đầu tư thuần: 50.402 tỷ đồng

+ Trả nợ gốc và lãi vay: 49.548 tỷ đồng

+ Đối với vốn góp để đầu tư dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ cập nhật, bổ sung sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương góp vốn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, EVN sẽ triển khai các giải pháp về quản trị và quản lý doanh nghiệp; giải pháp về tài chính; giải pháp về đầu tư; giải pháp về vận hành các nhà máy điện và thị trường điện; giải pháp về khoa học công nghệ, an toàn, môi trường và phát triển bền vững; giải pháp về quốc phòng - an ninh - đối ngoại.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Chính phủ ban hành Nghị quyết 55/NQ-CP ngày 26/4/2024 thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Kỷ luật Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Ngày 26/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Cụ thể, tại Quyết định số 346/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đối với ông Nguyễn Tử Quỳnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định thi hành kỷ luật số 1117-QĐNS/TW ngày 31/1/2024 của Ban Bí thư.

Tại Quyết định số 347/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1405-QĐ/UBKTTW ngày 31/1/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-26-4-2024-102240427095409046.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24770 sec| 706.234 kb