Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/7

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/7
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/7/2022.

Xử lý vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm đối với người lao động mắc COVID-19 và phụ cấp cho cán bộ, nhân viên ngành y tế

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 210/TB-VPCP ngày 20/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình xử lý vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 và phụ cấp cho cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Về xử lý vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; ý kiến các đại biểu dự họp, khẩn trương hướng dẫn giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, không để tình trạng trục lợi, lợi dụng chính sách.

Về chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu ý kiến các bộ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Về chế độ đối với nhân viên y tế thôn bản, Bộ Y tế trực tiếp làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp để thống nhất nội dung và hình thức văn bản.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề thuốc trên truyền hình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế.

Thông báo nêu rõ, về hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chiếm tỷ trọng lớn trong số sản phẩm quảng cáo được phát trên đài truyền hình, đài phát thanh. Thực trạng này phản ánh nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng nhằm bảo đảm đúng quy định, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người .

Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn một số sản phẩm quảng cáo chưa đáp ứng yêu cầu, quảng cáo công dụng vượt quá thực tế, cách thể hiện còn phản cảm, thời điểm phát quảng cáo chưa phù hợp, thậm chí có trường hợp còn vi phạm thuần phong, mỹ tục… cần có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan y tế rà soát, chịu trách nhiệm xác nhận nội dung chuyên môn liên quan đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong quảng cáo trước khi phát hành, công khai nội dung xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử để các cơ quan kiểm tra, thanh tra, tổ chức phát hành quảng cáo, doanh nghiệp liên quan có căn cứ thực hiện.

Bộ Y tế chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.

Rà soát, xem xét các hợp đồng quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng

Các cơ quan báo chí, trước hết là  Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chú trọng rà soát, xem xét các hợp đồng quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, chịu trách nhiệm quảng cáo đúng nội dung chuyên môn đã được cơ quan y tế xác nhận và góp phần định hướng ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe, không phát hành các sản phẩm quảng cáo gây phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng để chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; trong đó khẩn trương rà soát, quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo, bảo đảm việc xác nhận đúng luật, đúng nội dung chuyên môn để các cơ quan liên quan thực hiện.

Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tiếp tục, khẩn trương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bảo đảm thuốc, vật tư y tế và về việc cán bộ y tế thôi việc, bỏ việc tại các cơ sở y tế công lập.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo”

Theo công văn số 615/TTg-CN ngày 20/7/2022, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV:

“Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong ranh quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, Nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng; các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ  đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các dự án hiện nay để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ quá 05 năm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:

“Quy hoạch treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. “Dự án treo” được hiểu là dự án đầu tư đã được xác định trong quy hoạch, chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt nhưng tổ chức triển khai thực hiện không đảm bảo tiến độ theo quy định.

Về quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia), quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị có thời hạn từ 10-20 năm, tùy theo phân loại và cấp hành chính đô thị và quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng theo quy định tại Chương II Luật Xây dựng năm 2014 có thời hạn 20-25 năm (quy hoạch định hướng dài hạn).

Về dự án, đối với dự án đầu tư, thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư (Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành); đối với dự án đầu tư xây dựng, thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng (Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành) và pháp luật hiện hành có liên quan (đất đai, đầu tư, đầu tư công, ngân sách Nhà nước…). Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng… trong thời hạn và chi phí xác định. Việc tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tiến độ thực hiện dự án phù hợp với thời hạn quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương theo phân cấp.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 59/2018/QH14 ngày 16/6/2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD ngày 15/3/2019 về vấn đề này, trong đó đã xác định rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch

Cụ thể, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần tập trung:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan đối với chất lượng quy hoạch. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

- Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.

- Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”

Chính quyền các địa phương cần:

- Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

- Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị.

- Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị.

- Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.

- Tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”, trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công nhận 7 xã an toàn khu tại tỉnh Trà Vinh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký quyết định số 859/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 công nhận xã an toàn khu tại tỉnh Trà Vinh.

Theo quyết định, công nhận 7 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 huyện, thị xã thuộc tỉnh Trà Vinh là các xã an toàn khu của Trung ương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gồm:

- Xã Nhị Long và xã Nhị Long Phú thuộc huyện Càng Long;

- Xã Ninh Thới thuộc huyện Cầu Kè;

- Xã Mỹ Long Bắc và xã Mỹ Long Nam thuộc huyện Cầu Ngang;

- Xã Long Vĩnh thuộc huyện Duyên Hải;

- Xã Trường Long Hòa thuộc thị xã Duyên Hải.

Các xã an toàn khu nêu trên được thực hiện chính sách ưu đãi do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Mục tiêu cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030; cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.

Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10,0%/năm vào năm 2030; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.

Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai

Giải pháp thực hiện Chiến lược là hoàn thiện về thể chế, chính sách, trong đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai và cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng.

Nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động và quản lý phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.

Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực chế biến nông sản và máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp khi sửa đổi các Luật về thuế.

Phát triển 3 nhóm sản phẩm được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng

Giải pháp khác của Chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương) được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp.

Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và phát triển chế biến nông sản; phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột” của chuỗi giá trị.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến, bảo quản có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả; khuyến khích phát triển các cụm liên kết làm động lực của các vùng.

Phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng,  cho đối tượng 1 năm 2023

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 855/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 năm 2023.

Theo Kế hoạch, năm 2023 sẽ mở 5 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa từ 60-70 đồng chí tại Học viện Quốc phòng. Đối tượng được bồi dưỡng là đối tượng 1 chưa được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng lập danh sách đối tượng 1 của cơ quan, đơn vị mình chưa được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tham gia từng khóa Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 30/12/2022.

Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; là cơ sở để tổ chức thực hiện tốt việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/2/2014 của Chính phủ, Nghị định số 139/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-20-7-102220721082248773.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38200 sec| 717.758 kb