Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Công điện nêu: Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
b) Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; công khai các vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng và những gương điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm hay, bài học quý về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên toàn quốc.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.
b) Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh con người.
b) Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 21/5/2024 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Nghị quyết 74/NQ-CP nêu rõ: Thông qua nội dung tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Phiên họp thứ 33, ngày 14/5/2024) đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết và nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung hồ sơ trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Kiện toàn thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 433/QĐ-TTg ngày 21/5/2024 kiện toàn thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Ủy viên Hội đồng gồm có: Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính; ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ủy viên Hội đồng còn có: Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; ông Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy viên Hội đồng còn có: Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận; ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Văn Chứ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ủy viên phản biện gồm có: Ông Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam (nguyên Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Chuyên gia độc lập là ông Nguyễn Hoàng Nghĩa (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam).
Phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh
Ngày 21/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm nhân sự lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ thể, Quyết định số 436/QĐ-TTg nêu rõ: Phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.
Đồng thời, Quyết định số 435/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Trần Thị Bích Hằng để nhận nhiệm vụ mới.
Quyết định số 434/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đặng Văn Minh.
Các Quyết định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 21/5/2024./.
Theo Báo Chính phủ