Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10.

Chương trình hành động của Chính phủ phát triển giao thông đường sắt

Chính phủ ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến; hoàn thiện thể chế, chính sách; hoàn thiện quy hoạch đường sắt và các quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt; kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt;...

 Trong đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách, từ năm 2024-2026, Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút đầu tư.

Từ năm 2023-2025, Bộ Tài chính chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ đường sắt; Bộ Khoa học và chủ trì xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt;...

Về hoàn thiện quy hoạch đường sắt và các quy hoạch có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND các tỉnh/thành phố chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hoàn thiện quy hoạch hệ thống du lịch gắn kết với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, từ 2025 - 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt (đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).

Từ năm 2025 - 2045, Bộ Tài chính ưu tiên tăng phân bổ ngân sách nhà nước bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Từ năm 2023 - 2045, Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải;...

Theo danh mục dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, chiều dài đường sắt hiện có là 2.440 km; đường sắt xây dựng mới có chiều dài 2.417 km; đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có chiều dài 1.545 km,...

Phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1275/QĐ-TTg ngày 31/10/2023 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2023 – 2025.

Cụ thể, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính thuộc 4 lĩnh vực: Mật mã dân sự; quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; quản lý vùng trời; quản lý biên giới.

Giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính

Trong đó, giảm thời hạn giải quyết: thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự từ 5 ngày xuống 4 ngày; thủ tục gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự từ 20 ngày xuống còn 10 ngày.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, Quyết định bổ sung cách thức nộp hồ sơ trực tuyến; bổ sung cách thức thông báo qua thư điện tử đối với trường hợp không cấp phép hoặc thiếu hồ sơ; bổ sung cách thức gửi phép bay trực tuyến tới cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan Quân sự, cơ quan Công an, cơ sở điều hành bay, tổ chức, cá nhân liên quan trong khu vực có hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và đồng thời gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp phép.

Một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý biên giới như: Thủ tục cấp Giấy phép đi bờ cho thuyền viên nước ngoài đi bờ; thủ tục cấp Giấy phép cho thuyền viên nước ngoài xin nghỉ qua đêm trên bờ, xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng; thủ tục cấp Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước ngoài làm việc không quá 12 tháng… được áp dụng công nghệ mã vạch trong quy trình kiểm soát Giấy phép đi bờ của thuyền viên, các loại giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp.

Triển khai theo đúng nội dung Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được thông qua

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được thông qua.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định liên quan thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị bằng văn bản, gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đối với các Luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được thông qua.

Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan để kịp thời Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định này.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1274/QĐ-TTg ngày 31/10/2023 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Cụ thể, Quyết định số 1274/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và khoản 2 Điều 1 Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ để kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo tại Điều 1 Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định này, khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin cán bộ được cử tham gia Ban Chỉ đạo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (nếu có thay đổi) để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025"

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 28/10/2023 phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025".

Mục tiêu nhằm cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp hóa chất, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tập trung vào các nhóm ngành có hiệu quả cao; nghiên cứu từng bước đầu tư, phát triển và có hiệu quả một số sản phẩm hóa chất có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với nhu cầu phát triển .

Củng cố Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đảm bảo đủ các nguồn lực để phát triển các dự án trong ngành công nghiệp hóa chất có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của Tập đoàn; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần bảo đảm một số cân đối trong nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm chiến lược an toàn, lương thực trong tình hình mới.

Xử lý dứt điểm các công ty con hoạt động thua lỗ

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sau khi cơ cấu lại có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ổn định và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; đổi mới tổ chức, phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý và điều hành, nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tổ chức hợp lý thị trường và quản lý tốt quá trình hoạt động kinh doanh; đầu tư vào các dự án trọng điểm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn; cơ cấu lại vốn đầu tư tại các công ty con, tạo ra các doanh nghiệp trong Tập đoàn có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo các cân đối lớn của nhà nước trong lĩnh vực phân bón, hóa chất, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế; phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân; bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp.

Xử lý dứt điểm các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật để giảm thiểu tối đa tổn thất cho nhà nước, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và xã hội; trong đó, tập trung sớm xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC thực hiện các dự án đầu tư.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu toàn Tập đoàn bình quân đạt 7,4%/năm; phấn đấu tổng nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10.800 tỷ đồng.

Theo định hướng, Vinachem tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính:

Sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất , hóa dược, hóa dầu, điện hóa (sản xuất pin và ắc quy).

Vinachem có các ngành nghề kinh doanh theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinachem và các ngành nghề kinh doanh khác theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đến năm 2025, hầu hết các doanh nghiệp thành viên Vinachem là công ty cổ phần hoạt động hiệu quả

Theo kế hoạch sắp xếp, tiếp tục duy trì Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025.

Các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Giữ nguyên 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc như hiện nay, bao gồm: Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật Hóa chất; Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Hóa chất.

Duy trì các đơn vị sự nghiệp hiện có của Vinachem gồm: Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất; Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.

Đến năm 2025, hầu hết các doanh nghiệp thành viên là công ty cổ phần, mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.

Củng cố, phát triển một số doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh chính của Vinachem.

Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1263/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025.

Mục tiêu của Đề án là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; phát triển phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn đến năm 2025, TKV tiếp tục tập trung kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà TKV có lợi thế về công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, bí quyết công nghệ, nhân lực và thị trường. Trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thì TKV sẽ từng bước cơ cấu lại tỷ trọng các lĩnh vực theo lộ trình phù hợp, tập trung mọi nguồn lực để tăng năng suất lao động, thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, mở rộng kinh doanh những lĩnh vực dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao.

Định hướng chung về phát triển kinh doanh là gắn mô hình kinh doanh với sản xuất tạo ra chuỗi giá trị khai thác các khoáng sản đi kèm đất đá thải, nước thải đã qua xử lý, kinh doanh dịch vụ logistic; tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.

Từng bước tiến tới liên thông 03 phân ngành kinh doanh chính của TKV là Than - Điện - Luyện kim. Trong đó, tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao, liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn.

Xây dựng lộ trình và phương án tăng vốn điều lệ phù hợp để đảm bảo cân đối đủ vốn đối ứng cho thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phấn đấu tổng doanh thu toàn Tập đoàn giai đoạn đến năm 2025 đạt 853.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn giai đoạn đến năm 2025 đạt 108.161 tỷ đồng.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp

Ngành nghề kinh doanh chính của TKV là Công nghiệp than, Công nghiệp khoáng sản - luyện kim, Công nghiệp điện, Vật liệu nổ công nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào hoàn thiện thể chế quản lý: Tiếp tục duy trì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Công ty mẹ (TKV) thực hiện đồng thời 02 chức năng chủ yếu gồm: Chức năng trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực và chức năng đầu tư vốn vào các công ty con để các công ty này kinh doanh các ngành nghề, dự án đầu tư mà Công ty mẹ không trực tiếp thực hiện; bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên, quản trị đầu tư, quản trị chi phí.

Tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính

Về xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp, trong đó, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư vào các công ty con và liên kết. Cụ thể, tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính để chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần biểu quyết chi phối hoặc phủ quyết tùy theo tính chất quan trọng của từng công ty trong cơ cấu tập đoàn. Sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn để đầu tư phát triển các dự án mới theo quy định của pháp luật.

Thực hiện cơ chế thanh toán tập trung phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tập trung nguồn lực, tránh để tiền ứ đọng ở nhiều khâu trung gian trong khi vẫn phải đi vay ngắn hạn cho các nhu cầu chi tiêu, giảm chi phí sử dụng vốn; thực hiện giải pháp dự trữ tiền ở một số đầu mối, giảm dự trữ ở tất cả các đơn vị gây lãng phí vốn.

Điều hòa vốn giữa các đơn vị trong Công ty mẹ phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao hiệu suất sử dụng đồng vốn, tránh hiện tượng thừa hoặc thiếu vốn cục bộ, nâng cao vòng quay tiền mặt, giảm chi phí sử dụng vốn.

Công ty mẹ - TKV tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tập đoàn: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ mỏ, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, Than - Khoáng sản duy trì, không thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần do không thuộc danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Quyết định 26/2021/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-31-10-102231101090147654.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25208 sec| 706.219 kb