Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô Hà Nội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trung tâm đầu não chính trị-hành chính của quốc gia, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đến năm 2030, trở thành Thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Chương trình hành động phải cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và quán triệt định hướng phát triển và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xác định các nhiệm vụ chủ yếu, thể hiện các giải pháp cụ thể và thiết thực, được tổ chức tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 12.000-13.000 USD
Theo Chương trình hành động của Chính phủ, phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết.
Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5%-8,0%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000-13.000 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%; năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt 75%; tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%, đến năm 2030 đạt 100%.
Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND TP. Hà Nội cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW.
2. Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.
3. Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
4. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
5. Củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
6. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô.
7. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
8. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Thủ đô Hà Nội khẩn trương chỉ đạo xây dựng các chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp thường xuyên với TP. Hà Nội, có cơ chế điều hành tập trung, cụ thể để tăng cường phối hợp triển khai các nội dung Nghị quyết.
Đối với Thủ đô Hà Nội: Tập trung khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, kiểm tra, bổ sung kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, trong đó trọng tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại", phát triển thông minh, năng động, hiệu quả, vì con người; trở thành trung tâm-động lực thúc đẩy và dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực.
Đồng thời chủ động phát triển quan hệ liên kết, trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía bắc, vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh bền vững trên các lĩnh vực, khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ chủ động phát triển quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Hà Nội trên các lĩnh vực, tạo sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của nhau vì sự phát triển chung.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy thay đổi nông thôn trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nông thôn. Trên cơ sở văn bản quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc nông thôn như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc; định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022; các Quyết định số: 318/QĐ-TTg, 319/QĐ-TTg, 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch kiến trúc nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, tại các địa phương việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.
Nhiều khu cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh).
Các không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống mang tính tín ngưỡng như đình làng, đền, chùa và các không gian phụ trợ như sân đình giếng làng, ao làng.... đang dần bị lấn chiếm do không gian ở và không gian sản xuất nghề truyền thống tạo nên. Bên cạnh đó, sự biến đổi trên khá manh mún và tự phát. Đó là việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà xưởng sản xuất, nơi giới thiệu bán sản phẩm tại khu trung tâm,… thường không đồng bộ, hoàn chỉnh trong nhiều năm, dẫn đến phần lớn các không gian văn hoá làng truyền thống, trong quá trình phát triển, đã rơi vào tình trạng biến đổi cấu trúc, phá vỡ không gian.
Các hoạt động sang nhượng, cắt chia thửa đất ở cùng với "bê tông hóa" trong xây dựng nhà ở mới xen cấy tự phát trong làng xã truyền thống làm thay đổi cấu trúc không gian kiến trúc trong làng xã các dân tộc truyền thống phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cấu trúc làng xã. Việc triển khai Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam còn chậm, các văn bản pháp luật nhiều điểm chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến nguồn lực thực hiện.
Để nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc với mục tiêu là xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ.
Thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch
Cụ thể, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể như: Soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Nhà ở (sửa đổi); Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông tư hướng dẫn về Quy hoạch chung xây dựng xã (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra; thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn mới.
Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích; kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn; tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới và các nội dung khác có liên quan; nhấn mạnh các tiêu chuẩn quản lý chất lượng các công trình xây dựng và hạ tầng nông thôn mới.
Tiếp tục triển khai Luật Kiến trúc tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu, bổ sung các thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng, như: Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng. Nghiên cứu các mô hình nhà ở kết hợp với sản xuất, các yếu tố đặc thù riêng về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp… trên cơ sở các nghiên cứu khảo sát thực địa cụ thể và bài bản, bao quát trên diện rộng, ưu tiên trước vùng bị ảnh hưởng nhiều về thiên tai theo chỉ đạo của trung ương.
Nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, trong đó tập trung vào các mẫu nhà có quy mô vừa và nhỏ, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn. Hướng tới các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị, nhưng kế thừa các nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu và đặc biệt bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn
Bộ Xây dựng trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn (quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn). Nghiên cứu, hướng dẫn điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch phù hợp hơn (khoảng cách nghĩa trang, bãi rác thải đến điểm dân cư; nhà văn hoá thôn…).
Hướng dẫn cải tạo chỉnh trang nhà ở, tạo dựng được bộ mặt nông thôn mới tại các xã, thôn, ấp; cách tính chi phí lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với địa phương.
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giải pháp quy hoạch bảo vệ điểm dân cư nông thôn trong vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi có địa hình chia cắt mạnh. Nâng cao hiệu quả của quy hoạch xây dựng nông thôn trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép các yếu tố kiến trúc cảnh quan nông thôn trong đồ án quy hoạch.
Tiếp tục triển khai việc đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã đáp ứng được công tác xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch.
Giảm thiểu chất thải nhựa ở khu vực nông thôn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư công, đảm bảo gắn kết giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án phát triển nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các quy định về chính sách thuế liên quan đến tài sản, chính sách về tài chính đất đai… thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung (nếu có) để đảm bảo tính khả thi, minh bạch, ổn định và lâu dài.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, quản lý và có sử dụng đất tại nông thôn phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Hướng dẫn các địa phương về thu gom, phân loại rác thải, cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, giảm thiểu chất thải nhựa ở khu vực nông thôn.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các quy định về Quy hoạch đô thị và nông thôn đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai và pháp luật liên quan về quy hoạch.
Hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung về giữ gìn và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung về giữ gìn và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
UBND các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý.
Cần xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất, chức năng của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 2307/BXD-QHKT ngày 27 tháng 6 năm 2022 về việc hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô thị nhỏ trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên. Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư trong xây dựng.
Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.
Hướng dẫn các địa phương thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn (tập trung, phi tập trung) phù hợp với đặc thù của các địa phương.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030, đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.
Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng.
Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch.
Cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn; cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách, đặc biệt là việc người dân tự nguyện vay vốn để làm nhà ở; đồng thời phải kết hợp, lồng ghép các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn vào chương trình hỗ trợ chung để đảm bảo sự hỗ trợ công bằng, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của người dân.
Chủ động triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và kịp thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương để Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh trong thời gian tới.
Tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn phù hợp với địa bàn quản lý, đảm bảo mục tiêu phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn Việt Nam phù hợp với Luật Kiến trúc, Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chỉ thị này, hoàn thành trong quý II năm 2023. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Bổ sung, kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 52/QĐ-TTg ngày 6/2/2023 bổ sung, kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Cụ thể, bổ sung Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương thay Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã nghỉ công tác.
Bổ sung ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm Ủy viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương thay ông Nguyễn Anh Tuấn đã nhận nhiệm vụ mới.
Công nhận xã An toàn khu tại tỉnh Quảng Trị
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 49/QĐ-TTg ngày 6/2/2023 công nhận xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Xã An toàn khu nêu trên được thực hiện chính sách ưu đãi do cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-7-02-102230208093156144.htm