Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - và bảo đảm quốc phòng, vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW nhằm xây dựng đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm.

Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó, hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng và quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, phát triển nhanh, bền vững phù hợp với vị trí địa kinh tế - chính trị.

Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững gắn với việc phát triển các hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đồng bộ, kết nối giữa các cực tăng trưởng trong vùng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nội vùng, liên vùng, các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến, hành lang kinh tế.

Hình thành các vùng động lực và các khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn; phát triển dịch vụ, logistics. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá để tiếp tục phát triển Thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách vượt trội cho Hà Nội phát huy vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của vùng và cả nước...

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chương trình là phát triển kinh tế vùng, trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thích ứng biến đổi khí hậu; lấy công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế. Phát triển kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp.

Trong đó, phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường, ít phát thải khí nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, trọng tâm phát triển là công nghiệp hiện đại có lợi thế như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số (gồm: công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp mới sản xuất chíp, bán dẫn), ô tô, công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao như: lúa, rau, hoa, quả đặc sản, cây cảnh; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi công nghiệp, theo mô hình trang trại, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực như lợn, bò, gia cầm; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Tập trung đầu tư hoàn thành Trung tâm hậu cần nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng. Phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với bảo vệ chặt chẽ, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển và khu bảo tồn thiên nhiên.

Phát triển các ngành dịch vụ và thương mại của vùng theo hướng hiện đại, đa dạng với trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng; trọng tâm là du lịch văn hóa, kết nối các Di sản tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Tập trung ưu tiên đầu tư các khu du lịch quốc gia trong vùng, như: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai, Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Tam Chúc; Khu du lịch Tràng An; Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà; Khu du lịch Vân Đồn; Khu du lịch Trà Cổ. Tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết nội vùng, liên vùng để phát triển các sản phẩm du lịch của vùng hợp tác trao đổi thông tin quản lý nhà nước về du lịch giữa các vùng, xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch dài hạn để phát triển sản phẩm du lịch. Phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển và phát huy vai trò động lực các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các tuyến giao thông kết nối với cảng biển, cảng hàng không, các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Ninh.

Phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, tổng hợp, công bố các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư"

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 9/2/2023 phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, tổng hợp, công bố các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Theo đó, công bố các tác phẩm văn học ca ngợi sự nghiệp cách mạng, phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc kháng chiến thần kỳ giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ; góp phần tiếp tục kế thừa và bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học.

Nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn và xuất bản 600 công trình, đầu sách văn học Việt Nam

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn và xuất bản 600 công trình, đầu sách văn học Việt Nam (sách in) phản ánh về đề tài đất nước và cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Xây dựng và công bố 190 tác phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc; gồm:

+ 90 tập sách 3D ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; phản ánh sâu sắc, toàn diện thành tựu của công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ 100 tập sách ca ngợi, phản ảnh về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua lịch sử 100 năm hình thành và phát triển.

Nghiên cứu, biên soạn và công bố các tác phẩm sách văn học 3D phản ánh về đề tài lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ phải triển khai là khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, quảng bá và công bố các công trình, tác phẩm văn học Việt Nam về đề tài ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngơi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc dưới dạng sách truyền thống (sách in), sách 3D và nền tảng tri thức số thông qua việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể:

Nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp, tổ chức biên tập và xuất bản các tác phẩm văn học phản ánh đề tài đất nước và cách mạng Việt Nam (dưới dạng sách in thuộc các thể loại: tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, các thể ký, thơ, tản văn, tùy bút, phóng sự, lý luận và phê bình văn học...), bảo đảm thống nhất về quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiện dụng trong lưu hành và sử dụng.

Nghiên cứu, biên soạn và công bố các tác phẩm sách văn học 3D phản ánh về đề tài lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng, quá trình hình thành, phát triển và thành tựu đạt được của đất nước, bảo đảm trực quan sinh động, dữ liệu số 3D chi tiết các tư liệu, giá trị hiện vật kết hợp với thuyết minh tự động.

Xây dựng trang tin điện tử (Website) đăng tải chi tiết hệ thống tư liệu số của Chương trình bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn học cách mạng với các dạng đề tài về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam.

Chuẩn hóa định dạng các sản phẩm của Chương trình bảo đảm thuận tiện cho việc khai thác trên nền tảng số và các ứng dụng điện tử khác; kết nối, cơ sở dữ liệu và tích hợp được với Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia; hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất.

Phối hợp với các thư viện trên cả nước, tạo điều kiện giúp tiếp cận đầy đủ với bộ sách, từ đó có được nhận thức toàn diện, đầy đủ về thành tựu văn học cách mạng của đất nước; phục vụ nhu cầu khảo cứu của các nhà chuyên môn và công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và nâng cao chất lượng học tập văn học trong nhà trường và cho mọi tầng lớp nhân dân.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 56/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là Không gian hình thành, phát triển Cố đô lịch sử; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư, bao gồm: khu vực Kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa thuộc địa bàn các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình. Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư và phụ cận.

Quy mô lập quy hoạch gồm: Toàn bộ không gian Cố đô Hoa Lư được xác định bởi các vòng thành và các di tích khảo cổ học dưới lòng đất, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư. Cụ thể:

- Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, gồm: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, đình Yên Trạch, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, đền thờ Thục Tiết công chúa, bia cửa Đông, lăng vua Đinh, lăng vua Lê và núi Mã Yên, hang Muối và hang Quàn.

- Một số di tích trong khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư thuộc khu vực bảo vệ của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng đệm, gồm: Đình Yên Thành, bia Cầu Rền, hang Bim, chùa Duyên Ninh, hang Luồn và núi Cái Hạ, chùa Bà Ngô, động Liên Hoa (Thạch Bàn), chùa và động Bàn Long, chùa và động Hoa Sơn, hang Đìa, chùa Am, đền Hành Khiển, chùa Bi, chùa Tháp, chùa Tôm, cầu Hội, cầu Ghềnh Tháp, trấn Áng Ngũ, quán Vinh; các khu vực Kinh thành, Hoàng thành, trấn thành, phủ đệ bao quanh kinh thành theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nền cung điện nằm dưới lòng đất, di chỉ khảo cổ và các di tích có liên quan.

- Những di tích có liên quan trực tiếp với sự hình thành và phát triển Cố đô Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt (ngoài khu vực trung tâm, khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng đệm), gồm: Chùa và Động Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), đền Thánh Nguyễn, lăng Phát Tích và núi Kỳ Lân, Nhà thờ và mộ Định Quốc công Nguyễn Bặc, núi Kiếm Lĩnh và đền Tô Hiến Thành, đền Thung Lau và động Hoa Lư, đền Thung Lá (huyện Gia Viễn), núi Non Nước (thành phố Ninh Bình).

- Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hoàng Long, sông Sào Khê, sông Chanh và các chi lưu đoạn qua Kinh thành Hoa Lư; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các dãy núi, mỏm núi, hang động, quèn đá, thung lũng; tường thành núi đá tự nhiên, tường thành nhân tạo; các quần cư lâu đời gắn với Cố đô Hoa Lư và từng điểm di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, khu vực dân cư, tái định cư thuộc phạm vi quy hoạch di tích; kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan.

Mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.

Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian, cảnh quan văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương; đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với di tích một cách hữu hiệu.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 55/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, (chùa Long Đọi Sơn), tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn); bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn thành nơi giới thiệu, tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian gắn với các thiết chế văn hóa làng xã, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các điểm di tích, điểm du lịch khác, tạo thành chuỗi dịch vụ văn hóa, mô hình du lịch phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam.

Đồng thời, làm căn cứ pháp lý cho việc quản lý và triển khai các dự án thành phần về đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo quản, tu bổ phục hồi di tích theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng quy định và giải pháp quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích.

Xác lập hoàn chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị di tích làm cơ sở cắm mốc giới, phân khu chức năng và cơ cấu, chỉ tiêu sử dụng đất (các khu di tích, khu dân cư, khu bảo vệ môi trường sinh thái...). Định hướng tổ chức không gian, bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 82,4 ha gồm: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn) với khoanh vùng Khu vực bảo vệ I có diện tích 3,18 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích 11,37 ha; khu vực mở rộng và khu vực chuyển tiếp có diện tích là 67,85 ha.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm diện tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn), không gian cảnh quan, môi trường sinh thái xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hiện vật khảo cổ, lễ hội gắn với di tích; các yếu tố về sinh thái, địa hình, địa thế, kinh tế - xã hội, đô thị, dân cư trong khu vực nghiên cứu; các thể chế chính sách liên quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối trong khu vực quy hoạch; tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích…

Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới…

Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa

 Văn phòng Chính phủ có Thông báo 24/TB-VPCP ngày 9/2/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, trong đó có các nội dung về đánh giá phù hợp các quy hoạch liên quan, đánh giá nhu cầu sử dụng đất và việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất; đặc biệt làm rõ cơ sở pháp lý Nghị quyết của Quốc hội đối với Luật Quy hoạch và Khoản 4 Điều 29 Luật Quy hoạch Đô thị đối với dự án; đồng thời phải khẳng định Dự án đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phó Thủ tướng lưu ý dự thảo Quyết định cần thể hiện nội dung giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ được thực hiện dự án đầu tư sau khi quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu được cấp thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm dự án phù hợp quy hoạch các cấp sau này. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu không phù hợp với các quy hoạch trên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Báo cáo, dự thảo Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2023./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-9-2-102230210090027939.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26687 sec| 730.078 kb