Tiêu chí hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xem xét thụ hưởng chính sách
Nghị định quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xem xét thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a- Tiêu chí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 của Luật Hợp tác xã;
b- Đáp ứng một trong các tiêu chí sau tại thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ: Số lượng thành viên tăng trong 02 năm liên tiếp liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; tỷ lệ giá trị giao dịch nội bộ tăng trong năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia cao hơn so với mức tối thiểu quy định tại Điều 84 Luật Hợp tác xã trong năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; tăng giá trị tài sản chung không chia trong năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; có ít nhất 5% tổng số thành viên, người lao động được tham gia các lớp giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự tổ chức hoặc do các cơ quan, đoàn thể, tổ chức khác tổ chức và đã được cấp chứng nhận tham gia khóa học hoặc có danh sách thành viên, người lao động tham gia khóa học có đóng dấu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (đối với các khóa học do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự tổ chức, thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có kế hoạch tổ chức khóa học, nội dung khóa học và danh sách khóa học có chữ ký của người tham gia khóa học) tính đến thời điểm năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; đã thành lập không quá 36 tháng tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư tính đến thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ;
c- Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đăng ký thụ hưởng khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có giá trị từ 03 tỷ đồng trở lên thì phải có báo cáo tài chính năm trước liền kề đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập tại thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ.
Tiêu chí Tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách
Tổ hợp tác được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a- Tiêu chí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật Hợp tác xã;
b- Tiêu chí theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 của Luật Hợp tác xã;
c- Đáp ứng một trong các tiêu chí sau tại thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ: Số lượng thành viên tăng trong 02 năm liên tiếp liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; có ít nhất 5% tổng số thành viên, người lao động được tham gia các lớp giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn do tổ hợp tác tự tổ chức hoặc do các cơ quan, đoàn thể, tổ chức khác tổ chức và đã được cấp chứng nhận tham gia khóa học hoặc có danh sách thành viên, người lao động tham gia khóa học có xác nhận của tổ hợp tác (đối với các khóa học do tổ hợp tác tự tổ chức, thì tổ hợp tác phải có kế hoạch tổ chức khóa học, nội dung khóa học và danh sách khóa học có chữ ký của người tham gia khóa học) tính đến thời điểm năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; đã thành lập không quá 36 tháng tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư tính đến thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ.
Các chính sách hỗ trợ
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cung cấp thông tin về pháp lý, kinh tế; khảo sát và nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn và hoạt động xúc tiến thương mại của bộ, ngành, địa phương tổ chức trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí xây dựng chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;
Hỗ trợ kinh phí áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hợp đồng liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể; hỗ trợ việc đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mức kinh phí hỗ trợ cụ thể thực hiện từng chính sách do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp với định hướng ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ và quy định của pháp luật.
Theo Báo Chính phủ