Đại hội vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, năm qua, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tiếp tục đi vào chiều sâu, tỏ rõ sức sống trong đời sống xã hội. Càng trong khó khăn, thách thức càng nhân lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia nhân ái trong cộng đồng, càng khơi dậy sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của các cấp Hội. Hàng chục triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp; hàng ngàn Mái ấm nhân đạo được xây dựng; hàng triệu suất quà Tết trao tận tay người nghèo; cùng hàng vạn công trình/phần việc tiếp sức, sẻ chia với cộng đồng… là minh chứng thuyết phục khẳng định rằng: ở đâu có hoạt động nhân đạo, ở đó có vai trò, sự đóng góp của Hội Chữ thập đỏ; ở đâu có người nghèo, người bị tổn thương, ở đó có sự trợ giúp kịp thời của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.
Hướng về Đại hội toàn quốc lần thứ XI, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước đã hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn", "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật", "Hành trình đỏ - kết nối dòng máu Việt " cùng hàng ngàn công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả là tiền đề cho hoạt động Hội nhiệm kỳ tới.
Tại Đại hội lần này, các đại biểu đã đánh giá kết quả mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017-2022); quyết định mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội XI (2022-2027); bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội và suy tôn Chủ tịch Danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI; thông qua Nghị quyết Đại hội XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết, nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội, chăm lo đời sống của mọi người dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", đã tác động tích cực đến hoạt động của Hội. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp lớn nhất, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác Hội cũng gặp những khó khăn, thách thức: thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên với những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đại dịch COVID-19 từ năm 2020; quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện còn bất cập; trợ giúp nhân đạo quốc tế giảm; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, bằng những hoạt động thiết thực, các cấp Hội trong cả nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, trợ giúp số lượng lớn những người có hoàn cảnh khó khăn với giá trị trợ giúp năm sau cao hơn năm trước, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân tham gia; hệ thống tổ chức Hội được củng cố và duy trì ổn định.
Nhiệm kỳ 2017-2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt trên 23.000 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần, thiết thực trợ giúp trung bình hàng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương.
Với chủ đề "Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước", Đại hội XI hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Nhiệm kỳ 2022-2027, Đại hội đề ra một số chỉ tiêu cơ bản: 100% tỉnh, thành Hội triển khai phong trào: "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"; Quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 địa chỉ nhân đạo; Hỗ trợ 1 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật trong chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật"; hỗ trợ ngư dân làm việc trên 90.600 tàu, thuyền đánh bắt cá, 1.300 hộ ngư dân có "Mái ấm nhân đạo" trong chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"…
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề ra các định hướng lớn gồm: Hai khâu đột phá: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo;
Một phong trào lớn - "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" và Một cuộc vận động lớn - "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" Hai chương trình trọng điểm là: Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật" hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố…
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-du-dai-hoi-toan-quoc-hoi-chu-thap-do-viet-nam-lan-thu-xi-20220830083107873.htm