Sáng 1/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục thảo luận về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Các đại biểu khẳng định quan điểm, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, song những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là rất đáng kể, đáng mừng, thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp chính quyền và toàn dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nhấn mạnh, trong bối cảnh khó lường, vượt ngoài dự báo, nhưng đất nước ta vẫn đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Đặc biệt, kết quả tăng trưởng trong thời gian qua đạt được như vậy là rất đáng trân quý.
Đề cập đến các nhiệm vụ thời gian tới, đại biểu Thích Thanh Quyết đề nghị Chính phủ cần chú trọng tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của thị trường trong nước; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành các chính sách, các quy định mới để làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian. Đặc biết, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa xuống cấp dưới để cấp dưới chủ động trong thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để cho phát triển đất nước. Cùng với đó cần hết sức chú trọng hoàn thiện chính sách lao động tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách.
Tập trung nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải
Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, còn có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Tuy nhiên, qua triển khai ở địa phương, nhiều chính sách còn tản mạn, có nội dung chồng chéo, chưa được hệ thống hóa và chưa có tính đột phá, có chính sách chưa được ban hành.
Đại biểu chỉ rõ, đến nay còn 4 chính sách chưa được ban hành. Đó là chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm để thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; chính sách xóa bỏ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số; các chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số rất ít người, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Do vậy, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ sớm triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, chỉ đạo rà soát các chính sách còn chồng chéo, tập trung nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về thể chế, vướng mắc về nguồn vốn, xử lý hiệu quả những hạn chế còn tồn tại để đẩy nhanh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư.
Chính sách hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho người nông dân
Tại phiên họp, khẳng định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế và trong bảo đảm an ninh lương thực, một số ý kiến đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp trong tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua.
Kết quả, năm 2022, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, dịch COVID-19 và những xung đột chính trị giữa các nước làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, song sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt khá, nhiều lĩnh vực của ngành có tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) và một số ý kiến cũng cho biết, cử tri và nhân dân vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ, bán giá thành rất thấp. Từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất người nông dân.
Đại biểu đề nghị cần có giải pháp kịp thời, hữu hiệu hơn trong xử lý vấn đề này. Đồng thời có các chính sách hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong những lúc khó khăn nhằm giảm gánh nặng về đời sống cho họ.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chu-trong-giu-vung-on-dinh-kinh-te-vi-mo-kiem-soat-lam-phat-thuc-day-tang-truong-102230601102901413.htm