Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025

Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025
Năm 2025, tổ chức 12 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp thứ 41 đến phiên họp thứ 52) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua Chương trình công tác năm 2025

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1326/NQ-UBTVQH15 Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025.

Theo đó, về chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến và tổ chức thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 9 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV; chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 9 trong tháng 2/2025 và trong trường hợp cần thiết để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; triệu tập và chủ trì các kỳ họp theo quy định.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, năm 2026, trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm chất lượng, tiến độ; quán triệt và thể hiện sâu sắc, đúng đắn quan điểm, chủ trương về đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp theo yêu cầu trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/1/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15. Chỉ đạo tiếp tục rà soát, cập nhật, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới, chưa có trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 để triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận, chỉ thị mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 trong tháng 2/2025; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khác theo yêu cầu thực tiễn...

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, trong đó, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát và xem xét của Đoàn giám sát của Quốc hội để báo cáo Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 10; triển khai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025; chỉ đạo chuẩn bị tốt giám sát lại việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV về giám sát chuyên đề, chất vấn tại Kỳ họp thứ 10; tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như: Chỉ đạo tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ, chính sách theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có).

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai Chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2025; thực hiện công tác dân nguyện; hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân…

Tổ chức 12 phiên họp thường kỳ

Nghị quyết nêu rõ: Năm 2025, tổ chức 12 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp thứ 41 đến phiên họp thứ 52) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp bất thường và các phiên họp khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết các công việc cấp bách, cần thiết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể, nghiên cứu, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động, chế độ làm việc nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và các nội dung trong Chương trình công tác.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25725 sec| 658.688 kb