"Giảm từ 12.000 dự án xuống còn 4.000 dự án mới thực hiện được"
Chiều 12/11, đăng đàn trả lời chất vấn, trước đề nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay: "Hiện nay, chúng ta cần phải tăng trưởng bứt phá, đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ không những trong nhiệm kỳ này mà còn nhiệm kỳ tới".
Nhấn mạnh một trong những động lực tăng trưởng chính là phát triển hạ tầng chiến lược (hạ tầng số, giao thông…), Thủ tướng cho biết, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông quốc gia phải tạo sự đột phá về hạ tầng chiến lược, mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Ông dẫn ví dụ một số dự án hạ tầng chiến lược đang được tập trung hiện nay là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án năng lượng hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi…
Nói về nguồn lực để thực hiện, Thủ tướng cho rằng trước hết cần phải giải quyết vấn đề thể chế, có cơ chế huy động nguồn lực (nguồn lực công, huy động nguồn vốn tư nhân, hợp tác công tư), đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng mong quốc hội ủng hộ các dự án hạ tầng lớn cụ thể là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Ông chia sẻ: "Đầu nhiệm kỳ, chúng ta băn khoăn về nguồn lực, làm sao xây dựng được hệ thống đường cao tốc. Bắt đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc từ năm 2000, đến năm 2021 khi bùng phát dịch Covid-19, chúng ta mới hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc, vậy nguồn lực ở đâu để thực hiện gấp đôi số km đường cao tốc trong 20 năm. Chúng tôi băn khoăn lắm!".
Được sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, các Tổng bí thư, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã huy động nguồn lực từ Trung ương, địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc không thực hiện dàn trải các dự án.
Nêu thực tế từ 12.000 dự án giảm xuống còn hơn 4.000 dự án, Thủ tướng cho biết chỉ tập trung vào các dự án có tác động lớn, có tính chất "xoay chuyển tình thế", chuyển đổi trạng thái mới có thể thực hiện được.
Bỏ tư duy không quản được thì cấm
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là các xu thế mới, trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, thể chế pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa kịp cập nhật.
Vì thế, trước mắt lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế, coi đó là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển. "Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng quán triệt quan điểm trong xây dựng thể chế là quy định rõ, cụ thể những gì được làm, những gì có thể linh hoạt và mở ra không gian sáng tạo phát triển để người dân, doanh nghiệp yên tâm khi làm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và hành chính. "Muốn vậy phải xây dựng thể chế rõ ràng", Thủ tướng tái khẳng định.
Nhưng những hành vi buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường thì dứt khoát phải xử lý.
Liên quan xây dựng thể chế trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng nhận định không gian thực thế nào thì không gian ảo như vậy, quản lý đời thực thế nào phải quản lý không gian mạng như thế.
Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải bỏ tư duy không quản được thì cấm, theo Thủ tướng, xây dựng thể chế phải vừa phục vụ quản lý vừa mở ra không gian sáng tạo, để khuyến khích các chủ thể.
"Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi về giải pháp giải quyết dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương, tuy nhiên, còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng cho hay dù vừa qua, có nhiều dự án tồn đọng kéo dài nhưng với sự nỗ lực từ Bộ Chính trị, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đến nay Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cho 12 đại dự án tồn đọng kéo dài.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng quyền hạn. Nếu vượt thẩm quyền, sẽ xin ý kiến Quốc hội. Từ các dự án này, Chính phủ đang tiếp tục rà soát, phát hiện các dự án tương tự để xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng.
Nhấn mạnh quan điểm này, Thủ tướng cho biết: "Thất thoát, mất mát thì cũng đã rồi, ai vi phạm đã bị xử lý. Còn rõ ràng về mặt pháp luật cũng có chỗ vướng vậy nay phải tháo gỡ".
Thủ tướng nêu lại một trong những dự án tồn đọng được tháo gỡ như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...
Về 4 ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết đã xử lý được 2 ngân hàng. Liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Thủ tướng nêu việc xử lý theo tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống, quyền lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát tài sản không để thất thoát, có lộ trình xử lý phù hợp.