Bộ Công an cho biết, ngày 29/04/2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BCA quy định về thẩm quyền, trình tự thực hiện đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân trên cơ sở Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.
Việc xây dựng, ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BCA đã củng cố được hành lang pháp lý, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong CAND. Qua sơ kết tình hình thực hiện Thông tư số 45/2021/TT-BCA và trên cơ sở theo dõi, quản lý công tác đầu tư, đấu thầu mua sắm cho thấy, Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện cơ bản đảm bảo đầy đủ quy trình, quy định về lập, thẩm định, trình duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết, theo dõi thực hiện hợp đồng.
Ngày 23/06/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, thay thế Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Trong đó, một số nội dung được điều chỉnh cơ bản như: bổ sung thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có) đối với dự án đầu tư; bổ sung trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu; luật hóa một số nội dung, gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (trước đây được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg); quy định chặt chẽ hơn về phạm vi áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp; đơn giản hóa một số thủ tục trong đấu thầu; rút ngắn thời gian và phân cấp cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư quyết định các mốc thời gian trong tổ chức lựa chọn nhà thầu; …
Mặt khác, qua công tác quản lý đầu tư, quản lý đấu thầu và trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị, địa phương, Bộ Công an nhận thấy cần: (1) tăng cường phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư, mua sắm nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị, địa phương, (2) quy định rõ các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu để bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, (3) lược bỏ một số thủ tục trung gian mà pháp luật hiện hành không quy định.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 45/2021/TT-BCA là cần thiết, Cục Kế hoạch và Tài chính (Bộ Công an) đã báo cáo và được lãnh đạo Bộ duyệt chủ trương, giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 45/2021/TT-BCA.
Tạo điều kiện thuận lợi cho Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai đầu tư, mua sắm
Dự thảo Thông tư được kết cấu gồm 3 Chương, 8 Mục, 36 Điều.
Nội dung dự thảo Thông tư tập trung sửa đổi một số quy định để phù hợp với Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; ngoài ra, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai đầu tư, mua sắm; đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư, mua sắm nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của Chủ đầu tư; đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định.
Cụ thể một số thay đổi cơ bản như sau:
Đối với đầu tư, mua sắm hàng hóa thuộc Danh mục tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng sử dụng 100% ngân sách địa phương hỗ trợ: Thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công và theo quy định của địa phương, nếu có (khoản 3 Điều 1 Dự thảo); khi được địa phương hỗ trợ kinh phí để mua sắm hàng hóa nêu trên, trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc lập dự toán mua sắm chi tiết, Giám đốc Công an địa phương báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ về chủ trương đầu tư, chủ trương mua sắm; sau khi Bộ thống nhất về chủ trương, Công an địa phương tổ chức thực hiện chuẩn bị đầu tư, đầu tư, đấu thầu mua sắm theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua cơ quan chức năng) để quản lý, theo dõi. Trường hợp cấp có thẩm quyền của địa phương đề nghị Bộ Công an phê duyệt, Bộ giao Giám đốc Công an địa phương phê duyệt thủ tục đầu tư, mua sắm trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại bước chủ trương đầu tư và lập dự toán mua sắm chi tiết (điểm a khoản 2 Điều 1, khoản 3 Điều 8, khoản 5 Điều 9 và khoản 5 Điều 13 dự thảo).
Đề xuất trên giúp Công an địa phương chủ động hơn trong quá trình triển khai đầu tư, mua sắm sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng.
Về thẩm quyền phê duyệt thiết kế chi tiết (bước 2) của dự án có phương án thiết kế 2 bước: Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định đối với dự án do bộ, cơ quan trung ương quản lý, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán đối với trường hợp thiết kế hai bước.
Tuy vậy, để đảm bảo chặt chẽ, thiết kế chi tiết phù hợp với thiết kế cơ sở, đồng bộ, tương thích với các hệ thống thiết bị hiện có tại các đơn vị, địa phương, tại điểm a khoản 2 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư số 45/2021/TT-BCA quy định Bộ trưởng phê duyệt thiết kế chi tiết của: dự án nhóm A; dự án có tính chất đặc thù, yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong trường hợp cần thiết; Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế chi tiết của dự án nhóm B, nhóm C và của dự án thành phần thuộc dự án đầu tư tổng thể nhóm A.
Tại dự thảo Thông tư, đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho các chủ đầu tư trong phê duyệt thiết kế bước 2, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, cụ thể: (1) Bộ trưởng phê duyệt thiết kế chi tiết, dự toán của dự án đầu tư nhóm A có tổng giá trị các hạng mục có thiết kế 2 bước từ 800 tỷ đồng trở lên, (2) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế chi tiết, dự toán của dự án: nhóm A có tổng giá trị các hạng mục có thiết kế 2 bước dưới 800 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C (khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 8 Dự thảo) .
Hạn mức tổng giá trị các hạng mục có thiết kế 2 bước dưới 800 tỷ đồng được đề xuất phân cấp cho Chủ đầu tư phê duyệt nêu trên đúng bằng hạn mức tổng mức đầu tư của dự án nhóm B thuộc trách nhiệm phê duyệt của Chủ đầu tư (đã được phân cấp từ Thông tư số 45/2021/TT-BCA).
Về thẩm quyền quyết định mua hóa chất, vật tư y tế tiêu hao sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp của 4 Bệnh viện hạng I Bộ Công an: đề xuất sửa đổi (tại điểm c khoản 2 Điều 8 Dự thảo) theo hướng Bộ giao Giám đốc Bệnh viện hạng I phê duyệt dự toán mua sắm chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên cơ sở phù hợp với Dự toán Thu-Chi và trích lập các quỹ hằng năm đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt trước đó nhằm tăng tính chủ động cho các Bệnh viện trong đảm bảo hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác khám và điều trị bệnh (Thông tư số 45/2021/TT-BCA quy định Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu).
Về cách thức xây dựng giá gói thầu: Trước đây Thông tư số 45/2021/TT-BCA quy định trường hợp xây dựng giá gói thầu bằng phương thức lấy báo giá, phải lấy đủ báo giá của tối thiểu 3 hãng sản xuất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cơ bản, nếu không đủ phải có giải trình. Tại dự thảo Thông tư, đề xuất quy định thu thập báo giá theo quy định của Chính phủ tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (điểm e khoản 3 Điều 19 Dự thảo).
Về hình thức lựa chọn nhà thầu: Tiếp thu ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương, đề xuất bổ sung hướng dẫn cụ thể về trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để bảo vệ bí mật nhà nước nhằm thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng (khoản 2 Điều 15 Dự thảo)…
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/day-manh-phan-cap-de-cong-an-don-vi-dia-phuong-chu-dong-hon-trong-dau-tu-mua-sam-102240403150019379.htm