Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Đề xuất chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.

Đề xuất chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Đối với Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: Dự thảo sửa đổi tỷ lệ trích từ 5% lên 10% lợi nhuận sau thuế để phù hợp khoản 2 Điều 148 Luật Các TCTD

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) đang được quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với TCTD, CNNHNNg và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và TCTD có vốn nhà nước. Đồng thời, theo phân công tại Nghị định 93, Bộ Tài chính đã ban hành 05 Thông tư hướng dẫn.

Trong quá trình thực hiện Nghị định, theo phản ánh từ các TCTD thì một số khoản thu, chi phát sinh trong thực tế hoạt động của TCTD nên cần được bổ sung (như thu hoàn nhập số tiền dự phòng, chi phúc lợi khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về thuế, chi bảo đảm an toàn, chi bảo trì tài sản, chi sửa chữa công cụ, dụng cụ, chi án phí, lệ phí thi hành án và các chi phí tố tụng khác theo pháp luật về tố tụng dân sự,...). Đồng thời khi đánh giá xếp loại TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và TCTD có vốn nhà nước, đối với tiêu chí chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thuế, hóa đơn cũng phát sinh một số yếu tố khách quan như: trục trặc hệ thống truyền dữ liệu, thay đổi nhân sự, thay đổi chính sách... làm ảnh hưởng đến kết quả xếp loại các ngân hàng.

Từ tình hình trên, cần thiết phải rà soát các quy định tại Nghị định 93 để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với Luật Các TCTD và pháp luật có liên quan.

Mục đích ban hành Nghị định nhằm quy định chi tiết các nội dung về chế độ tài chính đối với các TCTD, CNNHNNg được giao tại Luật Các TCTD. Đồng thời đảm bảo tuân thủ tính thống nhất, phù hợp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về các TCTD với hệ thống pháp luật khác có liên quan (Luật 69, Luật Hợp tác xã, Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp...), phù hợp thực tiễn hoạt động ngân hàng, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng.

Sửa đổi tỷ lệ trích các quỹ và giới hạn mức tối đa của từng quỹ

Dự thảo sửa đổi tỷ lệ trích Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ từ 5% lên 10% lợi nhuận sau thuế để phù hợp khoản 2 Điều 148 Luật Các TCTD;

Dự thảo giữ nguyên tỷ lệ trích Quỹ dự phòng tài chính 10% lợi nhuận còn lại và bổ sung giới hạn mức tối đa của quỹ này không vượt quá 25% mức vốn điều lệ của TCTD. Mức 25% vốn điều lệ được tính toán trên cơ sở: (i) Hiện nay qua rà soát, đánh giá thực tế thời gian qua với tỷ lệ trích là 10% thì các TCTD chỉ sử dụng chưa đến 1% và số dư tồn quỹ dự phòng tài chính tại các TCTD là khá cao (từ 10.000 đến 18.000 tỷ đồng) và chưa sử dụng nhiều; (ii) Giai đoạn trước đây từ năm 2009 đến năm 2015, các công ty nhà nước khi trích quỹ dự phòng tài chính cũng có quy định giới hạn số dư quỹ là 25% vốn điều lệ.

Về Quỹ đầu tư phát triển:

+ Đối với TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, TCTD do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ và tổ chức tài chính vi mô: Mức trích là 20% lợi nhuận còn lại. Theo đó, nếu tính cả mức trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (10% lợi nhuận sau thuế) và quỹ đầu tư phát triển sẽ không vượt quá 30% lợi nhuận sau thuế để đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực khác là được trích quỹ đầu tư phát triển tối đa 30% lợi nhuận sau thuế; đồng thời bổ sung giới hạn mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ của TCTD theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

+ Đối với Ngân hàng Hợp tác xã: Sửa tỷ lệ trích "tối thiểu 20%" thành "tối đa 20%" tương tự như TCTD do Nhà nước nắm trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ vì Luật Hợp tác xã 2023 (Điều 86) không còn quy định cụ thể về tỷ lệ trích "tối thiểu 20%" như Luật Hợp tác xã năm 2012.

Về Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi:

+ Đối với TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Dự thảo giữ nguyên quy định về việc trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi tại Nghị định 93 và bổ sung quy định trường hợp số lợi nhuận còn lại sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển mà không đủ nguồn để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý TCTD, kiểm soát viên theo mức quy định thì TCTD được giảm trừ phần lợi nhuận trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý theo mức quy định, nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính để tương tự như các doanh nghiệp nhà nước.

+ Đối với TCTD do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ: thực hiện trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định của Chính phủ về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25391 sec| 655.422 kb