Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất mới về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính

Đề xuất mới về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính
Bộ Công an dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đề xuất mới về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính
Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ Công an, dự thảo Nghị định này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (sau đây gọi chung là cưỡng chế), trách nhiệm thi hành và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.

Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 dự thảo Nghị định bao gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Người có thẩm quyền, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành cưỡng chế và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.

Cùng với đó, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.

Đồng thời, phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế và cá nhân, tổ chức khác có liên quan trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế được quy định cụ thể như sau:

Đối với tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - , đơn vị sự nghiệp công lập không có thu được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền, và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì thực hiện khấu trừ từ nguồn kinh phí quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu, đơn vị vũ trang được tổ chức các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật, khi bị khấu trừ, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì lấy từ nguồn thu và tài sản do các hoạt động này mang lại.

Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản của tổ chức, quỹ đó.

Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản hoặc thu nhập bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản chung của hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác; trường hợp tài sản chung không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản của các thành viên trong hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc pháp luật có liên quan quy định khác.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25427 sec| 646.68 kb