Theo dự thảo, khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì người ra quyết định thanh tra tự mình hoặc theo đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức chuyên môn giám định về nội dung đó.
Cơ quan thanh tra có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức chuyên môn thực hiện việc giám định trong đó nêu rõ nội dung cần giám định và thời hạn thực hiện giám định.
2 phương án tổ chức có thẩm quyền giám định
Dự thảo quy định 2 phương án tổ chức có thẩm quyền giám định
Phương án 1: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, sở, các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc giám định đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của mình theo yêu cầu của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Phương án 2: Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo quy định tại Luật Giám định tư pháp có thẩm quyền thực hiện việc giám định đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của mình theo yêu cầu của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Quyền và nghĩa vụ của Tổ chức có thẩm quyền giám định
Tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền: a) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung được yêu cầu giám định; b) Sử dụng kết quả giám định để đưa ra kết luận giám định; c) Từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, phải thông báo cho cơ quan thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do; d) Được nhận thù lao giám định theo thỏa thuận.
Tổ chức giám định có nghĩa vụ: a) Thực hiện việc giám định theo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu giám định; b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định; c) Không được thông báo kết quả giám định cho bên thứ ba.
Thời gian giám định do hai bên thỏa thuận nhưng không quá ½ thời gian tiến hành cuộc thanh tra. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định. Thời gian thực hiện việc giám định không tính vào thời gian tiến hành thanh tra.
Kết luận giám định
Kết luận giám định bao gồm các nội dung sau đây: a) Họ, tên người giám định, tổ chức thực hiện giám định; b) Tên cơ quan yêu cầu giám định; c) Thông tin xác định đối tượng giám định; d) Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định; đ) Nội dung yêu cầu giám định; e) Phương pháp thực hiện giám định; g) Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo yêu cầu giám định; h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện việc giám định thì bản kết luận giám định phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người giám định. Trường hợp yêu cầu cơ quan, tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người giám định và có xác nhận chữ ký của cơ quan, tổ chức cử người giám định.
Kết luận giám định là căn cứ để Trưởng đoàn thanh tra kết luận về nội dung đã tiến hành giám định.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, hằng năm, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lập dự toán kinh phí trưng cầu giám định. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả và được lấy từ nguồn được trích từ khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra. Trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-giam-dinh-trong-hoat-dong-thanh-tra-102230213142107882.htm