Bộ Quốc phòng cho biết, Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm các hiệp ước, công ước cấm vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học. Các điều ước này, ngoài việc cấm hành vi nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng, đe dọa sử dụng, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt còn đưa ra các yêu cầu nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động, hỗ trợ, tài trợ việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hiến chương Liên Hợp quốc yêu cầu các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, có nghĩa vụ thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có các nghị quyết về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trên cơ sở Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 27/3/2020, trong đó phân công nhiệm vụ "Rà soát, xây dựng ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt" cho Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương,... "Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo trách nhiệm quản lý của bộ, ngành có liên quan.
Bộ Quốc phòng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đang nằm trong Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) do những thiếu hụt trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tại Khuyến nghị 7 trong số 40 khuyến nghị của FATF yêu cầu các quốc gia phải áp dụng các hình phạt không chậm trễ theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua tại Chương VII Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan đến việc phòng ngừa, ngăn chặn và làm gián đoạn hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và việc tài trợ cho các hoạt động này. Trên thực tế, Nghị quyết 1718 (2006) và Nghị quyết 2231 (2015) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các Nghị quyết kế thừa là các biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể nhà nước và phi nhà nước liên quan đến việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến lĩnh vực này để đáp ứng quy định về chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo Khuyến nghị 7, góp phần sớm đưa Việt Nam ra khỏi "Danh sách xám" của FATF.
Đề xuất mức phạt từ 15 triệu đồng
Tại dự thảo, Bộ Quốc phòng đề xuất bổ sung 4 điều mới quy định xử phạt vi phạm về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (mục 7, chương II của dự thảo).
Theo đó, Bộ Quốc phòng đề xuất phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về cồng tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi thông báo không kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khi biết thông tin liên quan đến hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo dự thảo, sẽ phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; tổ chức cá nhân đưa ra khỏi danh sách bị chỉ định.
Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm sẽ buộc phải thực hiện cập nhật danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; tổ chức cá nhân đưa ra khỏi danh sách bị chỉ định.
Xác lập danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách, công bố danh sách; đề nghị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; tiếp nhận, xử lý yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Vi phạm quy định về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bị phạt đến 75 triệu đồng
Theo dự thảo, sẽ phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng đối với hành vi cung cấp tiền, tài sản, cho tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trừ trường hợp được cấp phép, ủy quyền hoặc được thông báo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan.
Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm sẽ chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm trên; trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm trên.
Dự thảo nêu rõ, các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có hành vi vi phạm quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp thông tin lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực quốc phòng thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo Báo Chính phủ