Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
Hao phí nhân công: Là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng bậc lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn theo hướng dẫn triển khai dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công, mỗi công tương ứng với thời gian làm việc 01 ngày làm việc (8 giờ) của người lao động theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động; mức hao phí lao động gián tiếp tính theo tỷ lệ 15% của lao động trực tiếp tương ứng.
Hao phí máy móc, thiết bị sử dụng: Là thời gian sử dụng máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí máy móc, thiết bị trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng với 1 ngày làm việc (8 giờ) theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
Hao phí vật liệu sử dụng: Là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để xác định đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng
Định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này là mức tối đa, được bảo đảm tính đúng, tính đủ để hoàn thành thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.
Định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này là căn cứ để: a) Xác định chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công xây dựng nội dung chi, mức chi cho việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí hằng năm; b) Xác định đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng cho phù hợp với Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Về xác định chức danh lao động, Thông tư nêu rõ: Các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công của bảng định mức áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hoặc xem xét quy đổi tương đương theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thông tư số 07/2022/TTBVHTTDL ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.
Trường hợp hạng bậc của chức danh lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức không như quy định trong bảng định mức thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hạng bậc lao động đã quy định trong định mức, bậc tương đương hoặc quy định hạng bậc lao động đang làm việc và mức hao phí theo thực tế. Trong các trường hợp này phải bảo đảm chi phí về nhân công không vượt quá chi phí nhân công tính từ định mức do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Đối tượng là công chức, viên chức tham gia làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước không được hưởng các chế độ quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
Theo Báo Chính phủ