Đây là một số đề xuất của các vị nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và XV tại Hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/3.
Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, chính sách đất đai hiện nay nghiêng về địa ốc kinh doanh, thiếu quan tâm nhà ở cho nhân dân và lỏng lẻo trong quản lý đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án thực hiện kéo dài, gây lãng phí tiền của, thời gian, công sức, đội giá, đội vốn; việc phân bổ không hợp lý về tín dụng ngân hàng, tổng vốn đầu tư xã hội cũng là câu chuyện dễ gây bất bình, nhà nước khó xử lý…
“Do vậy, cần thống nhất quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý. Đất đai là không gian sinh tồn của dân tộc. Đất đai không sinh sản thêm và cũng không ai tạo ra đất được…”, ông Phạm Chánh Trực nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Chánh Trực, cần phân loại đất theo mục đích và nhu cầu sử dụng; sử dụng đất đai xây dựng nhà ở; đất cho sản xuất, bảo vệ môi trường; đất xây dựng công trình thiết yếu về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội. Ngoài ra, cần đất xây dựng công trình kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ quốc gia; đất sử dụng cho phúc lợi xã hội và cuối cùng mới đến đất kinh doanh.
Ông Phạm Chánh Trực đề xuất xem lại Chương III về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; cụ thể là ở Mục 3, 5, từ Điều 49 đến 53. Tại khoản 3, Điều 172 và khoản 6, Điều 176 cho phép người sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như vậy là quá lỏng lẻo. Đồng thời kiến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành hẳn một chương về đất sản xuất…
Cùng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề xuất xem xét Điều 185 và 186 về vấn đề tích tụ tập trung ruộng đất nông nghiệp. Điều 171 hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức được giao đất nông nghiệp. Vậy có thể gọi là tập trung hay tích tụ ruộng đất? Nếu có, thì không thể gọi là “sản xuất lớn” được mà đó là phân mảnh ruộng đất, là sản xuất manh mún, riêng lẻ.
Bà Phạm Phương Thảo đề nghị xem xét quy hoạch nên thực hiện từ trên xuống nhưng có lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp từ thực tiễn; kế hoạch sử dụng đất nên gia hạn 5 năm/lần thay vì hàng năm nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Tại Chương VII, mục 1 về bồi thường về đất, chi phí đầu tư còn lại vào đất cần xem xét cụ thể, sát với thực tiễn; ở Điều 89 cần có thêm điều khoản để thể hiện tốt hơn hay ít nhất là bằng.
"Điều 106 quy định tái định cư trước khi bồi thường nên có thêm chính sách đồng thời tạm cư (bởi không ít người dân nhận tiền bồi thường rồi tự túc tái định cư), đến khi hoàn thành việc bồi thường. Tại Điều 153 về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, bồi thường, cần xác định trên giá thị trường, có quy định cụ thể. Điều 154 bảng giá đất nên hướng đến 5 năm thực hiện 1 lần, nhưng khi có biến động về giá đất thì cũng nên xem xét lại", bà Thảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị xoay quanh công tác thu hồi đất, quyền thu hồi đất, tính công khai, minh bạch, hướng đến sự đồng thuận cao từ người dân. Việc thu hồi đất phải đảm bảo chính xác, chất lượng, giá đất, tái định cư và bồi thường thỏa đáng.
Thống nhất với các đại biểu về việc nâng hạn mức chuyển nhượng ở Điều 171 nhằm tạo ra giá trị cao hơn; Điều 153 cần cụ thể, rõ ràng hơn, ông Nguyễn Văn Giàu đề xuất cần tính toán, rà soát thật kỹ Điều 141 quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất chưa đúng, chưa trúng khi giao cho Chính phủ, bộ, ngành...
Bà Ngô Minh Hồng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quá dài, cách tiếp cận và cách viết còn nhiều trùng lắp. Theo bà, việc quy hoạch sử dụng đất đai minh bạch, công khai, dân chủ sẽ góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng rất tốt. Việc thu hồi đất và chính sách bồi thường ở Điều 78, nếu là dự án thương mại, nên để nhà đầu tư tự thỏa thuận thương lượng đền bù, góp vốn hoặc thuê, nhà nước không nên can thiệp.
Điều 74, khoản 4 cần cụ thể hơn, rõ ràng hơn trong các câu từ để hạn chế tình trạng quy hoạch treo, trả lại quyền cho người dân được sử dụng đất sau 3 năm. Khoản 1, Điều 83 cần làm rõ tính pháp lý về thông báo thu hồi đất bởi việc thu hồi chỉ có giá trị thực khi có quyết định nhằm hạn chế tình trạng dự án treo nhiều năm khiến người dân không làm được gì.
Theo bà Ngô Minh Hồng, giá trị thực của đất chỉ có bên mua, bên bán giao dịch cụ thể mới biết, đôi khi ngành thuế hoặc công chứng không hề biết bởi việc giá bị đẩy xuống nhằm tránh thuế… Do vậy, việc áp giá bồi thường theo thị trường cần phải chú ý sát thực tế để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bà Hồng thống nhất việc phân cấp quyền lực bởi liên quan đến đất đai rất nhiều tiêu cực và tham nhũng; Điều 25 cho phép công dân nhận quyền giám sát đất. Song cũng đề nghị làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất, tranh chấp đất, công chứng.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tp-ho-chi-minh-lay-y-kien-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-20230310224825922.htm