Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đổi Thẻ CCCD thành Thẻ căn cước bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế

Đổi Thẻ CCCD thành Thẻ căn cước bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế
Theo Bộ Công an, việc đổi Thẻ CCCD thành Thẻ căn cước giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân.

Không phát sinh thủ tục, chi phí

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động và đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta;

Đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, , xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo Bộ Công an, việc sử dụng tên gọi của Luật là “Luật Căn cước” như hồ sơ Luật mà Chính phủ trình Quốc hội sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật.

Cùng với đó, thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân cũng được thay đổi từ "Căn cước công dân” thành "thẻ căn cước".

Đổi Thẻ CCCD thành Thẻ căn cước bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế
Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách Nhà nước.

Bộ Công an cho biết, việc quy định như vậy giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…

Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (vì trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Việc đổi tên thẻ thành thẻ căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đang sử dụng là thẻ căn cước - Identicy Card).

Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).

Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

Nếu để tên thẻ là thẻ “căn cước công dân” thì chưa bảo đảm tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới. Do vậy, có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế nếu tiếp tục giữ tên thẻ “Căn cước công dân”.

Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách Nhà nước vì tại Điều 46 dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật;

Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.

Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước

Liên quan đến việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và căn cước điện tử, đại diện Bộ Công an cho hay, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.

Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý Nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý.

Thông tin của người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử là thông tin quan trọng cần bảo vệ.

Đổi Thẻ CCCD thành Thẻ căn cước bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này.

Theo đó, Luật Căn cước đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, bảo vệ chặt chẽ và an toàn dữ liệu cá nhân. Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an có giải pháp để bảo đảm , an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chíp.

Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được người dân đó đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng VNeID (người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID).

Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.

Đa số ý kiến đồng tình với việc đổi tên Luật Căn cước

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 19/10, trả lời báo chí về tên gọi của dự án Luật có đổi tên thành Luật Căn cước như đề xuất của Chính Phủ hay không?

ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Luật Căn cước công sửa đổi đã đưa vào chương trình nhưng Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Căn cước. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong quá trình tiếp thu ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh rất cẩn thận, chặt chẽ xin ý kiến, đặc biệt đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. “Đến thời điểm này, đa phần các ý kiến cho rằng nên đồng tình với quan điểm với Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước”, ông An cho hay.

"Tuy nhiên, đây là dự thảo đang tiếp thu, chuẩn bị đưa ra Quốc hội quyết định tại kỳ họp này. Nhưng chúng tôi đề xuất là Luật Căn cước", ông An nói.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.53496 sec| 658.141 kb