Vì sao dừng đề xuất?
Hồi tháng 5/2020, bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động bị mất việc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến khi đó, sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.
Về phương thức, bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp.
Thông tin này đưa ra đã nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, sau khoảng 5 tháng đưa ra đề xuất, kế hoạch này đã "biệt tích". Về vấn đề này, trao đổi với PV ĐS&PL, một lãnh đạo bộ LĐ-TB&XH cho biết: Đề xuất này ban đầu sẽ đưa vào trong gói hỗ trợ lần 2, tuy nhiên, đề xuất lại liên quan đến Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, Bộ đã rút đề xuất này.
Giải pháp thay thế
Theo tìm hiểu của PV, bộ LĐ- TB&XH cũng đã có đề xuất xây dựng Nghị định mới, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hướng dẫn luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, Nghị định 61/2020/NĐ-CP được ban hành, quy định cụ thể về người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Điều kiện hỗ trợ là phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên, tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề phải gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có, từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1.000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1.000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới một tháng.
Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa khọc nhưng không quá 6 tháng. Kinh phí hỗ trợ trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, nếu khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/khóa học 6 tháng, thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động chi trả.
Cần nâng mức hỗ trợ cho người lao động
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH) - cho biết: Về nguyên tắc, đào tạo nghề đối với lao động thất nghiệp phải thực hiện đúng theo quy định của luật Việc làm. Những người có tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đủ điều kiện thì mới được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
"Tôi được biết, gói 5.000 tỷ đồng dự kiến là sẽ trích từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng thực ra, bảo hiểm thất nghiệp là thường xuyên và đã có những quy định rất rõ ràng về việc hỗ trợ và đào tạo cho người lao động thất nghiệp. Đương nhiên, những lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ không được sử dụng nguồn này", ông Trung nói.
Theo ông Trung, Nghị định 61/2020/NĐ-CP cũng đã nới các điều kiện, quy định các thủ tục cụ thể hơn và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nói về câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, ông Trung nhấn mạnh "đây là việc vô cùng cấp thiết và quan trọng".
Vị này cho hay: "Ở cấp độ quốc gia, để đào tạo nguồn nhân lực, phải có một dự báo về thị trường lao động trong điều kiện mới, ngành gì sẽ phát triển, ngành gì sẽ phát sinh, lĩnh vực nào thu hút nhiều lao động. Cả trung ương và địa phương đều phải có những dự báo về nhu cầu sử dụng lao động, từ đó, định hướng và đào tạo ra nguồn cung lao động. Các quy định hiện hành đã có, song phải tính đến các chính sách cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động được đào tạo theo dự báo đó. Và cần có một nguồn lực về tài chính để thực hiện vấn đề này".
Về việc hỗ trợ tài chính đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp, ông Trung nói rằng, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng duy trì từ năm 2014 đến nay đã không còn phù hợp.
"Tôi cho rằng, tùy theo từng cơ sở đào tạo, mức hỗ trợ tối đa ít nhất cũng phải gấp đôi mức hiện tại, tức là 2 triệu đồng/người/tháng, chưa kể đến việc hỗ trợ kinh phí đi lại, lưu trú để học. Chính sách đưa ra là phải làm sao để nhiều người thất nghiệp tham gia học nghề nhất. Đồng thời, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề phải linh hoạt với từng nhóm đối tượng, thời gian đào tạo dài hay ngắn để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động", ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cũng nhìn nhận, doanh nghiệp và người lao động cần phải xác định vấn đề đào tạo lao động là đào tạo suốt đời. Doanh nghiệp trải qua thời kỳ Covid-19 cần có phương án sản xuất kinh doanh để thích ứng với sự biến đổi khó lường của tình hình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đồng hành với các cơ sở đào tạo nghề theo phương châm "3 cùng", gồm: Cùng tuyển sinh - Cùng đào tạo - Cùng bố trí việc làm sử dụng sau đào tạo. Việc gắn lợi ích giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, tận dụng lợi thế của nhau sẽ đảm bảo được sự hiệu quả nhất.