Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính

Giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Dịch vụ công trực tuyến đã có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng.

Giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Hướng dẫn người dân thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công điện tử. Ảnh: PV

Trong số gần 4,5 nghìn thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành (bao gồm cả các thủ tục hành chính của cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương), có khoảng 1,9 nghìn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 42%), 1,3 nghìn dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 28,8%). 

Tại các địa phương, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 1,9 nghìn thủ tục hành chính; trong đó có 853 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 46,5%), 604 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 32,9%). 

Văn phòng Chính phủ cho biết, năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành chiếm khoảng 80,7% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Con số này của các địa phương là khoảng 63,5%, tăng 1,8 lần. 

Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến cao như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (lĩnh vực thuế, hải quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (lĩnh vực thức ăn chăn nuôi); Đà Nẵng, An Giang, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình…

Hiện có 8 bộ và 29 địa phương đã triển khai việc tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các hồ sơ tiếp nhận trực tiếp theo hai phương thức: Tiếp nhận, xử lý, trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính và tiếp nhận, trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính. 

Trong đó, các ngành Công an, Bảo hiểm , Giao thông vận tải quy định cho phép tiếp nhận, xử lý, trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục: cấp Căn cước công dân; xác nhận cư trú, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế; đổi giấy phép lái xe. Theo đó, người dân có thể thực hiện và nhận kết quả các thủ tục trên tại tương ứng bất kỳ cơ quan Công an xã, phường, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện, Sở Giao thông vận tải nơi sinh sống, học tập, cư trú… 

Có 29 địa phương đã ban hành danh mục các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh cho phép công dân có quyền lựa chọn nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã… 

Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính là 6,9 triệu hồ sơ; trong đó bộ, ngành là 3,4 triệu hồ sơ, địa phương là 3,5 triệu hồ sơ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, số lượng dịch vụ công trực tuyến được các bộ công bố, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp cao nhưng còn nhiều dịch vụ công trực tuyến không đảm bảo mức độ dịch vụ, nhất là dịch vụ công toàn trình. Một số cơ quan, đơn vị lựa chọn cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính thường xuyên không phát sinh hồ sơ, gây lãng phí, tốn kém đầu tư mà không hiệu quả. Một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện phức tạp, không đơn giản, thuận lợi hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính. 

“Việc tăng số lượng hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất, còn có tình trạng làm thay, làm hộ người dân để đạt chỉ tiêu, dẫn đến quá tải, chậm trễ trong tiếp nhận hồ sơ của Bộ phận Một cửa”, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay.

Theo Văn phòng Chính phủ, việc xử lý hồ sơ trực tuyến của một số cơ quan, đơn vị còn chậm trễ, thậm chí có hồ sơ không được xử lý hoặc còn để xảy ra tình trạng chậm, muộn cao, nhất là các hồ sơ trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Việc phối hợp trong xử lý hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông còn yếu, chưa có quy trình nội bộ, xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm, thời hạn giải quyết của từng cơ quan, đơn vị. Một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chưa kịp thời được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, thói quen, tâm lý, kỹ năng số của một số người dân còn chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc trên môi trường số. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn của một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt để khuyến khích người dân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-khong-phu-thuoc-vao-dia-gioi-hanh-chinh-20231216123909835.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38472 sec| 646.313 kb