Làm rõ kết quả, tồn tại hạn chế trong quản lý, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung là: Đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở bám sát các mục đích, yêu cầu của chuyên đề giám sát, Đoàn giám sát đã xây dựng các nhóm dự thảo Đề cương báo cáo để định hướng cho việc tổ chức giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và làm cơ sở cho các đối tượng giám sát, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo.
Cụ thể, đề cương báo cáo của các đối tượng giám sát tập trung báo cáo về các nội dung: Kết quả thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023. Đánh giá kết quả thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023...
Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tập trung vào đánh giá các nội dung được đề cập trong báo cáo của các đối tượng giám sát ở địa phương, trên cơ sở các thông tin có được thông qua làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, thông tin phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương.
Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát được thiết kế có tham khảo bố cục, kết cấu, yêu cầu và nội dung của các báo cáo kết quả giám sát của các đoàn giám sát chuyên đề đã triển khai trước đây để tổng hợp, phản ánh đầy đủ nội dung giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cần làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo
Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao các công việc chuẩn bị cho chuyên đề giám sát đã được triển khai khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ; đồng thời đề nghị trong đề cương cần làm rõ thêm bối cảnh, đặc điểm tình hình của giám sát chuyên đề này; khắc họa thêm những thuận lợi, khó khăn; đòi hỏi qua giám sát phải có những kiến nghị, tạo được đột phá mới trong lĩnh vực này.
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vừa có ý nghĩa chuyên môn, vừa có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc, đóng góp vào công cuộc đổi mới, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương có liên quan.
Nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, qua giám sát cần làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật, nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để có giải pháp khắc phục. Các kiến nghị của Đoàn giám sát phải sát thực, phù hợp thực tiễn nhưng phải có tư duy đổi mới mạnh mẽ, tạo được đột phá sau giám sát.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/giam-sat-lam-ro-ket-qua-hoat-dong-cua-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-102230818150053878.htm