Tại hội nghị, đa số ý kiến đại biểu đồng tình, thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông 2009 và Luật Nhà ở 2014 nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương, 73 Điều quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng. Dự thảo Luật quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương, 196 Điều quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.
Đóng góp cho dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Đoàn - Giám đốc MobiFone chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đề xuất, dựa thảo Luật cần phải có những quy định cụ thể về phương án đấu giá quyền sử dụng kho số, cách thức và giá để thực hiện chủ trương chia sẻ hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật về cách thức thực hiện dịch vụ viễn thông công ích để thực sự đem lại ý nghĩa cho xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần hạn chế dẫn chiếu nhiều điều khoản, gây khó khăn cho việc tra cứu, tổ chức thực hiện; cần có các quy định chặt chẽ hơn về đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin cá nhân; đảm bảo sự đồng bộ trong thi công các công trình hạ tầng…
Đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bá Tòng, Phó trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị, ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm chủ thể là hộ gia đình vào phần giải thích từ ngữ ở khoản 2 Điều 2 về Nhà ở riêng lẻ. Đối với quy định tại Điều 3 về các hành vi nghiêm bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị xem xét cân nhắc lựa chọn kỹ vì có những hành vi chỉ là hành vi vi phạm, nếu quy định cấm sẽ hạn chế quyền của các chủ thể.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc Điều 19 về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; đề nghị xem xét về quy định tại Điều 142 chỗ để xe của nhà chung cư, theo đó không nên bố trí ở tầng hầm, nếu quy định bố trí ở tầng hầm phải có những quy định cụ thể về trách nhiệm và các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn để tránh những trường hợp đáng tiếc như các vụ cháy xuất phát từ tầng hầm để xe, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về quy định phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; nhà ở xã hội và đối tượng được hưởng chính sách; lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; việc quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/gop-y-vao-hai-du-thao-luat-chuan-bi-cho-ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv-20230922192223928.htm