Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hà Nội: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Hà Nội: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội.

Hà Nội: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
Ảnh minh hoạ.

Ngày 13/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Văn bản số 3832/UBND-NC về việc chấn chỉnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND thành phố, quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP. Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Theo đó, tính đến ngày 15/10/2023, trên địa bàn TP.Hà Nội có 2.955 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Đến ngày 13/11/2023, có 1.732 cơ sở đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC (đạt 58,6%); UBND cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục đối với 1.526 cơ sở (đạt 51,64%); 347 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC.

Tuy nhiên, tiến độ việc triển khai thực hiện của các đơn vị hiện nay rất chậm, chưa bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra, quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện và cấp phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở (thời hạn hoàn thành trước 15/3/2023): 7 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện, gồm: Đống Đa (106/600 cơ sở; đạt 17.66%); Ba Đình (58/293 cơ sở; đạt 19.79%); Hai Bà Trưng (104/464 cơ sở; đạt 22.4%); Cầu giấy (116/206 cơ sở; đạt 56.3%); Sơn Tây (64/73 cơ sở; đạt 87.67%); Mê Linh (39/44 cơ sở; đạt 88.6%); Hoàn kiếm (294/303 cơ sở; đạt 97%).

9 đơn vị chưa hoàn thành việc tham mưu cho UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở, gồm: Hoàn kiếm (294/303 cơ sở; đạt 97%); Mê Linh (39/44 cơ sở; đạt 88,6%); Cầu giấy (116/206 cơ sở; đạt 56.,3%); Hai Bà Trưng (104/464 cơ sở; đạt 22.4%); Ba Đình (58/293 cơ sở; đạt 19,79%); Sơn Tây (13/73 cơ sở; đạt 18,05%); Thanh trì (2/31 cơ sở; đạt 6,45%); Sóc Sơn (01/24 cơ sở; 4,16%); Đống Đa (03/600 cơ sở; đạt 0,5%).

Hiện nay, chỉ có 2 đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu ít nhất 30% cơ sở trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC (gồm: Tây Hồ, Ba Vì; tuy nhiên, cả 2 đơn vị đều chưa xác nhận việc hoàn thành khắc phục các nội dung tồn tại của cơ sở theo quy định); còn lại 28 đơn vị có tỷ lệ cơ sở khắc phục rất thấp, nhiều quận huyện đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào khắc phục xong các tồn tại về PCCC.

Thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố,… diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất kinh doanh, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán ,… một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh , gây hoang mang dư luận. 

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là kinh tế, xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chữa cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn hiện nay là nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác này. 

Để đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chợ và các hộ kinh doanh phải có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, có lối thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở. Có hệ thống giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy và các phương tiện PCCC. Các cơ quan, tổ chức; doanh nghiệp; các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và các nhà ở hộ gia đình chấp hành việc kiểm tra của cơ quan chức năng và ký cam kết về bảo đảm an toàn PCCC, quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để áp dụng và thực thi có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy, người dân cần tìm hiểu kiến thức, pháp luật, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Tự kiểm tra công tác PCCC, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo trật tự.

PCCC là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả về PCCC và CNCH là trách nhiệm của mỗi người dân, của mỗi tổ chức, đơn vị và địa phương. Mỗi hành động thiết thực, ý thức chủ động trong phòng ngừa cháy, nổ của mỗi người dân sẽ mang lại hiệu quả, góp phần đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ, để cháy, nổ không còn là hiểm họa cho toàn xã hội.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37846 sec| 646.094 kb