Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hà Nội: Tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường

Hà Nội: Tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường
Để tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, tập trung giải quyết, tháo gỡ những trường hợp còn vướng mắc trong quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng kế hoạch bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường trong những năm tới khi thành phố tiến hành xây dựng đường vành đai 4, mở rộng đô thị.

Hà Nội: Tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường
Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung hơn nữa, quyết liệt triển khai khối lượng công việc còn lại để hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng đề án đơn giá dịch vụ các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường, đảm bảo thời gian, chất lượng, công khai, minh bạch để người dân được biết. Đồng thời, Sở xây dựng đề án luân chuyển vị trí việc làm theo đúng quy trình, tránh tiêu cực; tiếp tục triển khai việc thu hồi, đăng ký quyền sử dụng đất nhằm tăng tính chủ động cho các cấp cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng đề nghị Sở có phương án cải tiến cách thu gom rác, không để tồn đọng các chân rác còn xót lại gây ô nhiễm môi trường; có kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là rác thải nguy hại.

Đối với công tác đấu giá đất dịch vụ, Sở phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện kiểm tra giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai. 

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, năm 2022, Sở đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ được giao; tập trung phối hợp tháo gỡ những khó khăn trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Với phương châm lãnh đạo, chỉ đạo "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả", công tác cải cách hành chính chuyển biến rõ rệt; trong đó, trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Sở đã tham mưu trình lãnh đạo thành phố ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn Thủ đô; phê duyệt 18 quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 17 huyện và thị xã Sơn Tây; quyết định thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật; triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất đồng bộ giữa Sở và cấp huyện, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đổi mới, giải quyết được các bức xúc của người dân và các điểm nóng về môi trường. Bên cạnh đó, Sở đã đẩy mạnh các nội dung về phân cấp, ủy quyền để tăng tính chủ động cho cấp cơ sở, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký đất đai, giao dịch đảm bảo, đăng ký biến động phục vụ người dân. 

Thống kê năm 2022, Sở tiếp nhận 458.310 hồ sơ, đã giải quyết 447.612 hồ sơ, đang giải quyết 10.698 hồ sơ. Tổng thu dịch vụ công khoảng 210 tỷ đồng; thu phí, lệ phí khoảng 247 tỷ đồng. Lực lượng chức năng thực hiện thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 140 dự án, diện tích là 145,7ha; tổ chức đấu giá tại 87 dự án, diện tích 14,17ha với số tiền dự kiến thu được 5.027,6 tỷ đồng...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiên quyết thu hồi các dự án bỏ hoang gây lãng phí đất đai; đẩy mạnh việc giao đất dịch vụ, nhất là tại địa bàn huyện Mê Linh. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt kết quả cao; trong đó, cấp cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 80,2%, các cơ sở tôn giáo đạt 77,58%, các cơ sở tín ngưỡng đạt 62,17%. Hàng trăm nghìn Giấy chứng nhận được cấp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa và đăng ký kê khai đất đai lần đầu.

Đặc biệt, triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về hạn chế sử dụng than tổ ong, đến nay, Hà Nội cơ bản đã loại bỏ được bếp than tổ ong (99,17% người dân không sử dụng bếp than tổ ong). Thành phố đã rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/ha-noi/ha-noi-tap-trung-xu-ly-dut-diem-ton-tai-vuong-mac-trong-quan-ly-dat-dai-bao-ve-moi-truong-20230213211405178.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26394 sec| 647.641 kb