Hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả
Nhóm vấn đề đầu tiên của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đối với lĩnh vực lao động, việc làm hiện nay.
Nhiều đại biểu quan tâm đến giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Cùng với đó là thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Ở nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc, các đại biểu Quốc hội chất vấn về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, các đại biểu tập trung chất vấn vào các nội dung: Việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Nhóm lĩnh vực Giao thông vận tải có những nội dung trọng tâm được các đại biểu tập trung chất vấn gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…
Tại kỳ họp này có 454 lượt đại biểu Quốc hội đã đăng ký tham gia chất vấn; 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm; nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 861 lượt người, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, được đại biểu Quốc hội rất quan tâm và rất có hiệu quả.
"Trúng", "đúng" nguyện vọng, vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), hầu hết các câu hỏi của đại biểu rất trúng, đúng nguyện vọng, vấn đề các cử tri, nhân dân quan tâm. “Khi tranh luận, các đại biểu Quốc hội xoáy sâu nhiều vấn đề nóng bỏng trong thực tế, nhưng chưa được "Tư lệnh" ngành đó đề cập đến nơi đến chốn. Điều này thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao sự tâm huyết, nắm chắc vấn đề của các Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành linh hoạt, hỗ trợ các Bộ trưởng cân bằng tình huống, bình tĩnh trả lời rõ nội dung mà đại biểu Quốc hội đặt ra.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (trả lời bằng văn bản), các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành, với tinh thần trách nhiệm cao đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra được các giải pháp khắc phục những tồn tại, nêu quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn như Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu như: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, kể cả vấn đề khó và phức tạp.
Đi đến cùng vấn đề giám sát
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự tán thành, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước. Cử tri Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội đánh giá, những lĩnh vực và nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn tại Kỳ họp thứ 5 không chỉ thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đồng thuận, thống nhất cao của Quốc hội trong lựa chọn từ nhiều vấn đề quan trọng mà còn có cả những vấn đề mang tính thời sự, tính chiến lược, có tác động và ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của các ngành, địa phương trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Bà Triệu Thị Thanh Bình (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời thẳng vào những nội dung các đại biểu chất vấn và nêu ra một số giải pháp. Bộ trưởng có những số liệu để so sánh, đối chiếu, phân tích, nêu thực trạng để làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu chất vấn. Dẫu các giải pháp của Bộ trưởng đưa ra còn thiếu, có nội dung trả lời chưa thỏa đáng nhưng cũng có nhiều vấn đề bất cập đã được làm rõ, làm cơ sở đề điều chỉnh các chính sách, sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo cử tri Ngô Thái (Phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), các ý kiến chất vấn của đại biểu rõ ràng, đi vào trọng tâm, nhất là nội dung chất vấn về hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải. Bộ trưởng đã trả lời mạch lạc, thẳng thắn. Cử tri mong muốn công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Còn cử tri Nguyễn Trần Hiếu (nguyên Chính ủy Trường Quân sự thành phố Cần Thơ) nhấn mạnh, mỗi kỳ họp Quốc hội là mỗi lần đổi mới. Các đại biểu, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia chất vấn và trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo thời gian cũng như chất lượng vấn đề được nêu ra. Đặc biệt, phần phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc đã tóm tắt lại các nội dung một cách đầy đủ, súc tích, những việc làm được cũng như những tồn đọng, hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Hùng (cử tri từ Cần Thơ) bày tỏ đồng tình với phần giải trình của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc. Phó Thủ tướng đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Hùng cho rằng, hiện nay để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, có quá nhiều hướng dẫn, quy định khiến việc thực hiện còn chậm. Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể, rõ ràng để tháo gỡ, nếu không vấn đề này sẽ tiếp tục gặp vướng mắc trong thời gian tới.
Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ông Nguyễn Trần Hiếu (Cần Thơ) bày tỏ: “Cử tri chúng tôi hy vọng thời gian tới chúng ta sẽ nghiên cứu, chuyển giao được nhiều thành tựu công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực để Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ công nghệ, giúp đất nước ngày càng phát triển”.
Trong phát biểu bế mạc Phiên chất vấn vào trưa 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về hoạt động chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.
Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người được chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp này và các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đây vừa là cách thức “giám sát lại”, thể hiện sự đi đến cùng vấn đề đã giám sát để thực sự tạo nên chuyển biến, vừa là kênh thông tin rất quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp theo tinh thần rõ trách nhiệm, rõ giải pháp; nhưng có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân dân, cử tri giám sát Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/hinh-thuc-giam-sat-toi-cao-truc-tiep-hieu-qua-20230608185950813.htm