Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, sắp xếp định biên thuyền viên trên phương tiện thủy CAND

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, sắp xếp định biên thuyền viên trên phương tiện thủy CAND
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, chức danh, định biên thuyền viên trên phương tiện thủy và đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy trong Công an nhân dân (CAND).

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, sắp xếp định biên thuyền viên trên phương tiện thủy CAND
Tập huấn nghiệp vụ lái xuồng máy cho cán bộ, chiến sĩ CAND tại Hà Tĩnh.

Bộ Công an cho biết, thực hiện mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông ngang tầm nhiệm vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự (TTXH) trên đường thuỷ nội địa, đường thuỷ nội địa ven biển và trên biển là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Việc đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện tàu thuỷ của lực lượng CAND, bao gồm: tàu chỉ huy, tàu tuần tra, kiểm soát, tàu vận tải hậu cần và xuồng cao tốc đảm bảo yêu cầu tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, truy bắt kịp thời các đối tượng xâm phạm quốc gia, các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội; tiến hành kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm TTATGT, TTXH trên đường thuỷ theo quy định của pháp luật, tham gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ theo quy định là vấn đề cần thiết cấp bách.

Bộ trưởng Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định về giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, chức danh, định biên thuyền viên trên phương tiện thủy và đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy trong CAND.

Việc xây dựng dự thảo Thông tư này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, bố trí, sắp xếp định biên thuyền viên trên phương tiện thủy đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, đấu tranh phòng chống tội phạm; ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, đào tạo, cấp chứng chỉ lái xuồng máy trong CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thuyền viên trên phương tiện thủy CAND phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện đảm nhiệm

Dự thảo quy định chức danh thuyền viên trên phương tiện thủy CAND bao gồm: Thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ, thợ máy.

Thuyền viên, người lái phương tiện, người lái xuồng máy CAND phải đáp ứng tiêu chuẩn là cán bộ, chiến sĩ CAND; và có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện đảm nhiệm.

Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của từng chức danh thuyền viên, người lái phương tiện, người lái xuồng máy CAND.

Trong đó, thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất trên phương tiện hoặc đoàn phương tiện. Thuyền trưởng có trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn về người, phương tiện và tài sản trên phương tiện; nắm vững tình trạng kỹ thuật, thời hạn hoạt động và chu kỳ sửa chữa của phương tiện. Tổ chức phân công, giám sát, đôn đốc thuyền viên hoàn thành nhiệm vụ...

Thủy thủ là người chịu sự lãnh đạo của thuyền trưởng và người phụ trách ca, có trách nhiệm trực tiếp điều khiển phương tiện, thường xuyên có mặt ở vị trí đã được phân công để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra…

Người lái phương tiện, người lái xuồng máy CAND có trách nhiệm quản lý người, phương tiện, tài sản, các giấy tờ có liên quan đến phương tiện do mình lái; nắm vững tình hình luồng lạch và điều kiện an toàn của cảng, bến nơi phương tiện hoạt động. Kiểm tra phương tiện, các trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện. Trước khi khởi hành phải sắp xếp người, hàng hóa đảm bảo phương tiện ổn định, an toàn...

Đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy CAND

Công tác đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy CAND được quy định chi tiết tại Chương III dự thảo Thông tư. Trong đó, quy định đối tượng đào tạo là cán bộ, chiến sĩ CAND.

Thời gian đào tạo cấp chứng chỉ lái xuồng máy CAND là 24 giờ lý thuyết; thực hành điều khiển xuồng máy 10 giờ/người; ôn tập 30 phút/người.

Trong đó, cán bộ, chiến sĩ CAND sẽ được đào tạo lý thuyết về một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường thủy nội địa và hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam (8 giờ), xuồng máy và kỹ thuật điều khiển xuồng máy (8 giờ), công tác quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, bảo quản, bảo dưỡng, khắc phục sự cố thường gặp khi sử dụng xuồng máy và công tác làm dây (6 giờ), một số kiến thức cơ bản về tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy và điều khiển xuồng máy tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ (2 giờ).

Về thực hành điều khiển xuồng máy, cán bộ, chiến sĩ CAND sẽ được đào tạo điều khiển xuồng máy rời bến, điều khiển xuồng máy đi đường trường, điều khiển xuồng máy cặp mạn phương tiện đang hành trình, điều khiển xuồng máy cặp bến cố định, điều khiển xuồng máy tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Về thẩm quyền quản lý và tổ chức đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy CAND, dự thảo quy định: Cục Cảnh sát giao thông tổ chức đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy, đổi, cấp lại chứng chỉ lái xuồng máy cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, các trường CAND và Công an địa phương khi có yêu cầu.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đào tạo, thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy, đổi, cấp lại chứng chỉ lái xuồng máy cho cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương.

Các trường CAND tổ chức đào tạo lái xuồng máy cho học viên thuộc đơn vị mình. Kết thúc chương trình đào tạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả của học viên và đề xuất Cục Cảnh sát giao thông thành lập Hội đồng thi, cấp chứng chỉ lái xuồng máy theo quy định.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27524 sec| 659.703 kb