Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế để thống nhất thực hiện

Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế để thống nhất thực hiện
Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận ngày 28/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế để thống nhất thực hiện
Đại biểu Quốc hội Thái Nguyễn Đoàn Thị Hảo phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhiều thành quả nhưng chưa đồng đều

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhiều thành quả nhưng chưa đồng đều, đây là quan điểm của đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) khi phân tích cụ thể về số người tham gia bảo hiểm y tế thời gian qua.

Theo đại biểu, của Chính phủ năm 2021 cho thấy, số người tham gia bảo hiểm y tế là 88,83 triệu người, tăng 793 nghìn người so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 91% dân số. Nhưng tỷ lệ này đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022, thấp hơn so với cuối năm 2021 (theo số liệu của Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022, có gần 87,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 88,4% dân số - PV).

Số người tham gia bảo hiểm y tế thuộc nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng đã giảm mạnh, tới 4,9 triệu người so với năm 2020. Trong đó, phần lớn giảm ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg (phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025).

Theo đó, khoảng 3,1 triệu người không còn được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong đó có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Tại tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Đoàn Thị Hảo cho biết, số xã bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg là 85 xã, số người không còn được hỗ trợ là 156.322 người. “Đây là vấn đề bản thân tôi và một số đại biểu rất băn khoăn. Điều đó cho thấy, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tuy đã đạt được nhiều thành quả nhưng chưa đồng đều, chưa hướng được đến những đối tượng mà Nhà nước cần phải quan tâm, chăm lo, xã hội cần đùm bọc, sẻ chia”, đại biểu nói.

Đại biểu đề nghị khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đề xuất giải pháp cụ thể, sớm giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách tại các địa phương nay không còn là các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho 3,1 triệu người, trong đó đặc biệt quan tâm đến 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số ngay trong năm 2023.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, rà soát những khó khăn, bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các xã khu vực II, khu vực III chuyển lên khu vực I.

Đánh giá, đề xuất giải pháp, lộ trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, do việc điều chỉnh danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết của Quốc hội thời gian qua đã triển khai thực hiện nhưng còn rất chậm. Hiện nay, cử tri cả nước, nhất là cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất mong chờ các chính sách này của Nhà nước.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) nêu quan điểm, việc nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg “đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất. Nhưng cho đến nay, hơn một năm chưa có hồi âm, cử tri và nhân dân rất mong mỏi, chờ đợi từng ngày, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo”.

Vướng mắc trong tạm ứng, thanh, quyết toán tồn tại nhiều năm

Liên quan đến vấn đề khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho biết, hiện nay, tỷ lệ chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các tuyến vẫn tiếp tục mất cân đối, ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương, kinh phí này chiếm tới 67,9%, trong khi số lượt khám, chữa bệnh chỉ chiếm khoảng 23,8%, ở tuyến huyện và tuyến xã kinh phí này chiếm khoảng 32%, trong khi số lượt khám, chữa bệnh chiếm tới hơn 76%. Một số vướng mắc trong tạm ứng, thanh, quyết toán tồn tại nhiều năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp giải quyết nhưng vẫn còn 5.323 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay chưa được thanh, quyết toán.

Bên cạnh đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ chi tiền túi của người dân trên tổng chi thường xuyên cho y tế còn cao, là 45%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 20%. Điều này phản ánh một thực tế là Quỹ Bảo hiểm y tế chưa bao phủ được nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.

Từ các phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc, bất cập, kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế để thống nhất thực hiện trong cả nước. Thực hiện thanh, quyết toán dứt điểm số tiền phát sinh trước năm 2021 là năm 5.323 tỷ đồng.

Bày tỏ với cán bộ, nhân viên ngành Y tế về những công việc đang đặt ra hiện nay trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, song, đại biểu cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải có những đánh giá tổng thể, toàn diện, sâu sắc về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, những nguồn lực và khả năng đáp ứng cho công tác này, bởi đây là vấn đề đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-bao-hiem-y-te-de-thong-nhat-thuc-hien-20221028171814111.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26114 sec| 655.547 kb