Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển lý luận và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển lý luận và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác nghiên cứu lý luận chính trị, thể hiện ở nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng. Trong đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được xem là một trong những trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu của cả nước.

Để xứng đáng với vị thế của một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, trong những năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đầu tư nguồn lực đáng kể và chỉ đạo quyết liệt, từng bước đưa công tác nghiên cứu khoa học ngang tầm với công tác đào tạo. 
 
Để làm được điều này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện qua các thời kỳ đều xác định trước hết phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ - những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực thuộc Học viện. Theo đó, đội ngũ cán bộ lý luận được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Đáng chú ý là bước đầu đào tạo được một số cán bộ ngoài nước có chất lượng tốt. Công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên ngành, tác phẩm kinh điển, ngoại ngữ, tin học được quan tâm bằng các quy chế, quy định, kế hoạch mở lớp cụ thể hằng năm. Nhờ vậy, Học viện đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia ngày càng hùng hậu về nghiên cứu lý luận chính trị ở nhiều chuyên ngành khác nhau, và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận và chính sách cho Đảng, Nhà nước. Đội ngũ chuyên gia này chính là những chiến sĩ tiên phong đấu tranh trên mặt trận bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Sự tham gia trực tiếp với số lượng ngày càng cao các thành viên trong Hội đồng Lý luận Trung ương. Sự tham gia đông đảo nhiều nhà khoa học cho các chương trình, đề tài, đề án của các cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Học viện đối với việc hoạch định chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên các khoa học trong và ngoài Học viện, từ các ban ngành đến địa phương cũng có sự góp mặt và phản ánh sự đóng góp có hiệu quả của đội ngũ chuyên gia của Học viện. 

Với tinh thần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện đã triển khai nghiên cứu khoa học theo hai hướng chính. Hướng nghiên cứu các đề tài cơ sở, mỗi năm có rất nhiều đề tài Giám đốc giao nhiệm vụ được triển khai nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho việc soạn mới, nâng cao chất lượng bài giảng ở các hệ chương trình cử nhân, cao cấp, thạc sĩ, tiến sĩ và các đề tài cấp cơ sở được phân cấp cho các Học viện trực thuộc, các Viện chuyên ngành để tạo điều kiện cho các cán bộ là giảng viên, nghiên cứu viên trẻ nghiên cứu phục vụ trực tiếp việc soạn bài giảng, nâng cao chất lượng nội dung các bài giảng. Hướng thứ hai được chia làm những đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; những đề tài đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phản bác lại những quan điểm thù địch, sai trái; những đề tài tổng kết thực tiễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị khác như kỷ niệm các ngày sinh của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin… Theo đó, có thể thấy, hướng thứ nhất thường ưu tiên cho các cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên trẻ tuổi, hướng thứ hai kết hợp giữa đấu thầu và giao nhiệm vụ…

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển lý luận và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Học viện tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Việt Nam năm 2024. Ảnh: most.gov.vn.

Cùng với đó, có thể thấy rằng, không như ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, những kết quả nghiên cứu lý luận lại được chuyển tải vào thực tế nhanh như thế, hiệu quả như thế, bởi những tri thức, những kết quả nghiên cứu khoa học sẽ được đưa ngay vào chuỗi các công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các hệ lớp cho hệ thống chính trị được đưa vào, lồng ghép vào các bài giảng, giáo trình, giáo án, những giờ thuyết trình, thảo luận của học viên… Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học, Học viện đã xây dựng thống nhất khung chương trình, nội dung các hệ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, cao học và nghiên cứu sinh cũng như các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; tập trung đối mới giáo trình, đầu tư kinh phí cho công tác biên soạn giáo trình cao cấp lý luận chính trị, đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng cho các chức danh lãnh đạo, quản lý, cho công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, đã có những chuyển biến quan trọng về đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong hệ thống trường chính trị trong cả nước. 

Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống Học viện. Bởi lẽ, hoạt động khoa học đã góp phần bổ sung, cập nhật kịp thời kiến thức cho đội ngũ giảng viên cả về lý luận mới và thực tiễn sinh động. Nhiều kiến thức được bổ sung thông qua việc tham gia nghiên cứu các đề tài trong nước và việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập nước ngoài. Nhờ vậy, các bài giảng lý luận sinh động hơn. Tri thức của đội ngũ giảng viên thông qua nghiên cứu khoa học đã trực tiếp giúp cho học viên sau khi qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện được nâng cao về mặt nhận thức lý luận và thực tiễn, được đảm nhận các cương vị cao hơn và có khả năng giải quyết công việc tốt hơn.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện cũng đã có hàng nghìn bài viết trên các báo, tạp chí có chất lượng, các sách chuyên khảo, tham khảo được xuất bản góp phần nâng cao nhận thức lý luận chính trị trong Đảng và trong nhân dân, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch. Đã phối hợp và ngày càng gắn kết với các cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học ngoài Học viện, có hiệu quả rõ rệt và dần đi vào nề nêp, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, làm rõ các luận cứ khoa học cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thông tin khoa học, thực tế, tổ chức các đoàn nghiên cứu thực tế, đưa cán bộ giảng viên đi thực tế dài hạn ở địa phương, để gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn. Việc phát huy dân chủ, tự do sáng tạo trong nghiên cứu lý luận ngày càng được coi trọng và phát huy tốt trong nghiên cứu lý luận, trao đổi học thuật tại Học viện và các diễn đàn khoa học khác trong cả nước. Điều này đã và đang tạo động lực lớn cho các nhà khoa học trong quá trình đẩy mạnh nghiên cứu.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ tốt hơn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, góp phần phát triển lý luận, thiết nghĩ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần quan tầm hơn nữa, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đồng đều hơn ở các đơn vị, học viện khu vực. Hướng nghiên cứu về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, các đề tài tổng kết thực tiễn cần được đầu tư hơn. Các đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần được gia tăng về số lượng và chất lượng, đặc biệt cần đảm bảo tính kịp thời, cập nhật so với tình hình thực tiễn luôn biến động…

Với những kết quả to lớn của công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện  trong những năm qua và quyết tâm chính trị của lãnh đạo Học viện, sự đồng tình của các nhà khoa học và cách quản lý đổi mới, sáng tạo, công minh, chúng ta tin tưởng rằng, chắc chắn sản phẩm khoa học của Học viện sẽ ngày càng nhiều hơn và thực sự có thương hiệu, khẳng định vị thế của Học viện là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước theo như một trong hai chức năng của Học viện được khẳng định tại Quyết định số 145-QD/TW ngày 8/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26587 sec| 672.656 kb