Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới
Ngày 7/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục ngày làm việc thứ 6, thảo luận tại Hội trường về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đã tập trung phân tích những kết quả đạt được thời gian vừa qua, thống nhất việc ban hành Nghị quyết mới cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tại Phiên thảo luận, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khẳng định, việc tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố rất quan trọng trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về đại đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sâu sắc hơn. Nhiều chủ trương, chính sách mới được Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện có hiệu quả, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được phát huy trên mọi lĩnh vực.

Cơ bản nhất trí với những văn bản dự thảo, tổng kết Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị Trung ương cần đặc biệt quan tâm tới công tác dân tộc trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn một số vấn đề tồn tại như nghèo đói, phân hóa giàu nghèo, đất đai, nước sinh hoạt, di cư trái phép. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tệ nạn diễn biến phức tạp. Hoạt động kích động bạo loạn chia rẽ đang tác động đến mối quan hệ giữa các dân tộc. Nếu không chủ động tháo gỡ, không được tập trung giải quyết thỏa đáng thì đây sẽ là kẽ hở để các thế lực phản động, lôi kéo, kích động làm ảnh hưởng, thậm chí là phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Theo tôi, cần đặt nhiệm vụ đoàn kết các dân tộc Việt Nam ở vị trí đặc biệt trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; cần nhấn mạnh các chủ trương, giải pháp để tăng cường sự đoàn kết, cố kết cộng đồng, sự , gắn bó keo sơn máu thịt giữa các dân tộc anh em và nâng cao  thực chất cho đồng bào các dân tộc", đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sự giao thoa, đan xen giữa các giai tầng trong xã hội. Vì vậy, để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đề nghị cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan thúc đẩy nghiên cứu lý luận và thực tiễn, làm rõ hơn nội hàm, nhất là về liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh tư liệu: Việt Dũng/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, vấn đề về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới đã xuất hiện những nội dung mới, rất cần được nghiên cứu, quan tâm và đề ra giải pháp cụ thể. Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất sớm tổng kết, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

“Trong tác phẩm một số vấn đề lý luận thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vấn đề giữ vững bản chất của Đảng là một Đảng Cộng sản, Đảng Cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng. Chúng tôi đề nghị cần có sự nghiên cứu để có thể cụ thể hóa nội hàm và tiêu chí kiên trì giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Chúng tôi - tổ chức công đoàn cũng xác định đây là một vấn đề rất lớn để bảo vệ và xây dựng Đảng", đồng chí Nguyễn Đình Khang nói.

Đóng góp ý kiến thảo luận, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, về cơ bản, nông thôn không còn hoàn toàn thuần nông như trước mà đã có sự pha trộn giữa các giai tầng dẫn đến sự phân tầng về mức độ thu nhập, sinh kế và cơ hội phát triển. Do đó, cần thiết phải có nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phát triển lý luận về giai cấp nông dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. "Tôi đề nghị bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng về nội dung và giải pháp xây dựng, củng cố liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức", đồng chí Lương Quốc Đoàn nêu ý kiến.

Cụ thể hóa nội dung dự thảo Nghị quyết

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cũng khẳng định, thời gian qua, công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thể hiện qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, luật và Chiến lược hành động, đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như việc cụ thể hóa tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số lĩnh vực, địa bàn còn thấp. Nhiều nguồn lực chưa được phát huy hiệu quả. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân có lúc, có nơi chưa gắn bó chặt chẽ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, chưa phát huy hết vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Nhằm đạt hiệu quả cao hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ này, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đề nghị cần tiếp tục có những giải pháp cụ thể, khả thi và sát với thực tiễn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật phải đồng bộ để tạo cơ sở pháp lý thực thi quy chế dân chủ và tạo sự đồng thuận của nhân dân. "Ở đây vấn đề ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản luật mà tạo được sự đồng bộ, thống nhất thì không có chuyện hồi tố. Đặc biệt, trong những lĩnh vực như giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư, vấn đề thu thuế để tạo sự công bằng các văn bản luật hiện nay thì cũng có những vấn đề chưa thống nhất", đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nêu ý kiến cụ thể.

Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích trong xã hội để góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư. "Chúng tôi cho rằng đây cũng là cách làm của rất riêng của đất nước ta, nhận được sự đồng thuận và thật sự đang trở thành ngày hội lớn của nhân dân trên tất cả các địa bàn dân cư. Vì vậy, chúng tôi cũng rất mong ngày hội đại đoàn kết sẽ tiếp tục được quan tâm, nâng lên một tầm cao mới", đồng chí Hà Thị Nga bày tỏ.

Nêu ý kiến đối với vùng dân tộc thiểu số, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, một số quy định về chính sách của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số trong các luật còn mang tính định hướng chung chung; được thể hiện bằng các cụm từ như là “ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện” nhưng lại không có các quy định cụ thể cho các luật hoặc các văn bản dưới luật. Một số quy định chưa sát với thực tiễn cuộc sống.

“Tôi đề nghị các chủ trương, chính sách của Đảng cần được thể chế hóa một cách đầy đủ, kịp thời, phù hợp thực tiễn, tránh việc nội dung ban hành nhưng khó triển khai hoặc triển khai không được. Thứ hai là lấy mục tiêu vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các chính sách liên quan mật thiết đời sống của nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến người có công với cách mạng, nhóm yếu thế và đồng bào các dân tộc thiểu số”, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu kiến nghị.

Cơ bản nhất trí với 7 chủ trương, giải pháp được nêu trong dự thảo Nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận xét, các chủ trương, giải pháp được nêu trong dự thảo chính là sự cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề xuất dự thảo bổ sung thêm nội dung: Củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi, việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, phát huy sức mạnh để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/hoi-nghi-trung-uong-8-khoa-xiii-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-giai-doan-moi-20231007205507559.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27255 sec| 683.094 kb