Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hồi ức người lính về thời khắc thiêng liêng giữa Dinh Độc Lập

Hồi ức người lính về thời khắc thiêng liêng giữa Dinh Độc Lập
Không chỉ trực tiếp chiến đấu giải phóng Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), ông Dùng còn là một trong những người đã cùng với đồng đội trong Đại Đội 20 Trinh Sát - Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304 Anh hùng thuộc Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước trong ngày 30/4/1975 lịch sử.

Chiến dịch giải phóng Bình Tuy thần tốc

Ông Ngô Văn Dùng (SN 1948, quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), hiện là Chủ tịch Hội Cựu Quân nhân Quân đoàn 2 tại tỉnh Bình Thuận. Dù đã 50 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng, câu chuyện về người lính trinh sát năm xưa vẫn vẹn nguyên cảm xúc và niềm tự hào.

Nhớ lại những ngày đầu lên đường nhập ngũ, ông Dùng kể: "Như bao thanh niên tuổi 18 thời ấy, khi đất nước có giặc ngoại xâm, tôi xung phong nhập ngũ đầu năm 1967".

Sau khóa huấn luyện tại Thanh Hóa, đến tháng 5/1967, ông Dùng được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường ác liệt Quảng Trị. Trong suốt thời gian chiến đấu, ông Dùng cùng đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh lớn tại Khe Sanh, Cam Lộ, Cửa Việt, sân bay Ái Tử, Đồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Triệu Phong… Bằng tinh thần quả cảm, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 9/1968, ngay trong hầm trú ẩn giữa chiến trường.

Hồi ức người lính về thời khắc thiêng liêng giữa Dinh Độc Lập
Ông Ngô Văn Dùng ở Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tháng 5/1970, ông Dùng được cử đi học tại Học viện Chính trị Quân đội và đến cuối năm 1972 trở lại mặt trận Quảng Trị. Năm 1974, với vai trò Chính trị viên Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu giải phóng Thượng Đức (Quảng Nam – Đà Nẵng), sau đó cùng đơn vị giành chiến thắng tại cao điểm 1.062 ở huyện Đại Lộc.

Ngày 28/3/1975, đơn vị ông hành quân giải phóng Đà Nẵng chỉ sau một ngày. Ngay sau đó, Đại đội Trinh sát C20 – Trung đoàn 66 – Sư đoàn 304 – Quân đoàn 2 tiếp tục là lực lượng xung kích trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Trên đường thần tốc tiến vào Sài Gòn (Tp.HCM ngày nay), đơn vị liên tục giành thắng lợi tại các chiến trường. Đặc biệt, sau khi giải phóng Phan Rang, ông Dùng (lúc này là Chính trị viên Đại đội Trinh sát) cùng Tiểu đoàn 8 và 3 xe tăng thuộc Lữ đoàn 203, được lệnh phối hợp cùng Quân khu 6 giải phóng tỉnh Bình Thuận theo đề nghị từ Bí thư Tỉnh ủy Bình Tuy.

Thời khắc lịch sử thiêng liêng

Sau chiến thắng tại Bình Tuy, đơn vị của ông Ngô Văn Dùng tiếp tục hành quân thần tốc, đánh chiếm các khu vực chiến lược quan trọng. 

Trong 2 ngày 28 và 29/4/1975, đơn vị ông lập chiến công tại khu vực Nước Trong, Bà Rịa – Vũng Tàu. Những trận đánh liên tiếp, khí thế hừng hực lan tỏa trong từng bước chân tiến về Sài Gòn – trái tim của miền Nam, nơi sẽ đánh dấu thời khắc lịch sử thiêng liêng nhất của dân tộc.

Ngày 30/4/1975, giữa những đoàn xe nối dài, đơn vị của ông Dùng tiến thẳng vào trung tâm Thành phố. Với nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập, đơn vị trinh sát do ông làm Chính trị viên Đại đội đã trực tiếp chiến đấu trong những giây phút quyết định nhất.

Hồi ức người lính về thời khắc thiêng liêng giữa Dinh Độc Lập
Ông Ngô Văn Dùng được tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì.

Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chấm dứt hơn 2 thập kỷ chia cắt đất nước, ông Dùng cũng như hàng triệu người lính khác đã không kìm được xúc động. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng, là niềm tự hào tột đỉnh, là phần thưởng xứng đáng cho biết bao gian khổ, hy sinh trong suốt chặng đường kháng chiến trường kỳ gian khổ.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Dùng nghẹn ngào nhớ lại: "Khi giải phóng Bình Tuy, đơn vị tôi thần tốc tiến vào Sài Gòn. Càng gần đến chiến thắng, tinh thần anh em càng hăng hái, quyết tâm hơn. Đó là động lực để chúng tôi "đi đến đâu – thắng đến đó". Khi miền Nam được thống nhất, tôi vô cùng phấn khởi, nhưng cũng không quên tưởng nhớ những đồng chí đã ngã xuống trong suốt chặng đường chiến đấu".

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Ngô Văn Dùng tiếp tục nhận nhiệm vụ chiến đấu truy quét tàn quân Phun-rô tại chiến trường Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đến tháng 3/1977. Sau đó, ông chuyển ra làm Chính trị viên Trường Văn hóa của Sư đoàn 304 tại Hòa Vang (TP.Đà Nẵng).

Hồi ức người lính về thời khắc thiêng liêng giữa Dinh Độc Lập
Ông Ngô Văn Dùng trao đổi với PV Người Đưa Tin.

Tháng 12/1977, ông được tăng cường cho tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận và Ninh Thuận), công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy. 

Từ năm 1992, ông Dùng giữ chức Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh và đến tháng 6/2006 trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, trước khi nghỉ hưu năm 2007. Dù nghỉ hưu, ông Dùng vẫn tiếp tục cống hiến. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh đến năm 2017 và hiện là Chủ tịch Hội Cựu quân nhân Quân đoàn 2 tại tỉnh Bình Thuận.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thanh Hải (TP.Phan Thiết) cho biết: "Dù đã cao tuổi, bác Dùng vẫn tích cực tham gia công tác hội, gương mẫu trong và sinh hoạt. Bác luôn là tấm gương sáng về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến hội viên và nhân dân".

Hồi ức người lính về thời khắc thiêng liêng giữa Dinh Độc Lập
Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thanh Hải (Tp.Phan Thiết).

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của ngày 30/4, ông Ngô Văn Dùng và những chiến sĩ như ông đã ghi tên mình vào bản anh hùng ca của dân tộc. Những chiến công từ Bình Tuy, Xuân Lộc, Nước Trong đến Dinh Độc Lập đã góp phần viết nên Đại thắng Mùa xuân 1975 – một dấu son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ trong chiến tranh cũng như thời bình, ông Ngô Văn Dùng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú, Chiến sĩ Thi đua các năm 1967 và 1968, cùng nhiều kỷ niệm chương trong các chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đắc Phú/ Người Đưa tin

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28795 sec| 658.953 kb