Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành

Khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành
Dự án Luật Đường bộ được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhất là trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là hết sức cần thiết - Ảnh: VGP/ĐH

Ngày 13/7, tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đường bộ.

Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đường bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã bộc lộ một số vướng mắc. Do đó cần tiến hành sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định về cơ chế để huy động nguồn lực trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô cho phù hợp với thực tế.

"Từ những lý do trên, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là hết sức cần thiết", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: Quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ); giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới là: Thay đổi phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Luật quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Bổ sung các khái niệm mới như: Đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác…

Khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành
Dự án Luật Đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 24 - Ảnh: VGP/ĐH

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ

Thẩm tra sơ bộ về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khẳng định Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhất là trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Qua nghiên cứu Hồ sơ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng về cơ bản, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ.

Về các ý kiến liên quan đến việc tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thấy rằng việc xây dựng 2 dự án luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước ta và thông lệ quốc tế, đồng thời đã thể chế hóa Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới". Hai Luật được ban hành sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Về ý kiến liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đã được quy định tại Khoản 6 Điều 42 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng có một số nội dung giao thoa cần được quy định trong cả 2 dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh lỗ hổng pháp luật, đồng thời tránh chồng chéo quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh, phương tiện đa tính năng…

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; đánh giá tác động; kết quả giải trình, tiếp thu những nội dung lớn theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV); về sự cần thiết ban hành Luật, tên gọi, đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh và một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật; làm rõ yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật.

Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án Luật này.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ để báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự án luật này. Tại kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV), Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật Đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/khac-phuc-han-che-bat-cap-cua-luat-giao-thong-duong-bo-hien-hanh-102230713144559971.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23113 sec| 659.617 kb