Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Không được phép lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung báo chí

Không được phép lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung báo chí
Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài không được phép lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

Ngày 28/11, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị Tổng kết, đánh giá lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024 và phổ biến Nghị định 147/2024/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực từ 25/12/2024. 

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã cung cấp thông tin về những chính sách mới trong Nghị định này, nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng. 

Theo đó, tại khoản 7 Điều 36 Nghị định quy định người sử dụng dịch vụ mạng trong nước và nước ngoài không được phép lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

Nghị định cũng nêu rõ quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. 

Cụ thể, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã… Ngoài ra phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình.

Đồng thời có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng , văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Sở TT&TT địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc chậm nhất là 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ.

Không được phép lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung báo chí
Ảnh minh họa

Trong năm 2024, Bộ TT&TT cùng Sở TT&TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng,

Các Sở TT&TT địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật (20 trường hợp biểu hiện “báo hóa”), rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm (buộc thu hồi 2 tên miền).

Nhờ những hành động quyết liệt của Bộ TT&TT, đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỉ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỉ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỉ lệ 93%).

Trong năm 2025, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động Việt Nam; yêu cầu các mạng xã hội chặn, khóa tài khoản, trang, kênh thường xuyên vi phạm; tiếp tục xử lý "báo hóa" trang thông tin điện tử và mạng xã hội...

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25577 sec| 647.039 kb