Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan
Phát biểu kết luận phiên thảo luận chiều 28/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau 2 ngày thảo luận sôi nổi đã có 85 đại biểu Quốc hội phát biểu; 8 đại biểu tham gia tranh luận.Tất cả đại biểu Quốc hội của các địa phương đã phát biểu ý kiến. Có 10 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh

Nhìn chung, không khí thảo luận xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan. Các ý kiến phong phú, toàn diện, hiểu biết sâu sắc thể hiện tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự sâu sát, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành các cấp. Quốc hội cũng ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để kiểm soát dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế - .

9 tháng đầu năm 2022, vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi, phát triển mạnh mẽ, dự kiến cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. GDP cả năm dự kiến tăng khoảng 8%; có thể đạt kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; nhân dân được cải thiện. “Đây là tiền đề và điều kiện để xây dựng và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong các của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu , nêu nhiều khó khăn thách thức rất lớn từ bên ngoài và tác động vào nước ta năm 2023; đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó để ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm tài chính quốc gia; đảm bảo các cân đối lớn trong điều kiện bất định, đồng thời tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra.

Các đại biểu đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh; bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục đời sống nhân dân và phục vụ sản xuất như điện, xăng, dầu; bảo đảm hoạt động thông suốt của thị trường vốn, ổn định thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động. Bên cạnh đó, cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; các giải pháp để tăng trưởng nhanh nhưng bền vững, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như quyết tâm Chính phủ đã đề ra.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; lưu ý các vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó khăn; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp cần phải quan tâm; các vấn đề về tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… Đồng thời, đề nghị đánh giá sâu sắc hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Nghị quyết 54 và đề nghị nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển Thành phố trong giai đoạn tới.

Tự chủ y tế và giáo dục rất khó khăn

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trước đó, tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng khẳng định, báo cáo của Chính phủ, các phát biểu của đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã nêu rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh. "Hơn một năm trước khi tình hình rất căng thẳng, chúng ta đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược, thích ứng linh hoạt nhờ tiếp cận được vaccine để khẩn trương ổn định phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, duy trì ổn định an sinh xã hội, có bước tiến bộ tương đối toàn diện”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, Việt Nam có cơ sở để thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại 2 năm vừa qua.

Theo Phó Thủ tướng, đến nay, nước ta đã tiêm 260 triệu liều vaccine phòng COVID-19, nằm ở top đầu thế giới về mức độ bao phủ vaccine tăng cường. Tuy nhiên, đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng mà còn gây khó khăn, bất cập cho hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hệ thống kinh tế, làm nhận diện rõ hơn những điểm yếu của các ngành này. Các nước trên thế giới, kể cả những nước có trình độ phát triển cao cũng gặp nhiều khó khăn khi đối diện với những vấn đề này. Ở Việt Nam, dù gặp khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đang bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân không chỉ ở thành thị, mà ở cả nông thôn, miền núi.

Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã thấu hiểu những khó khăn, thách thức, chia sẻ những khó khăn vất vả, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho ngành Y tế, Giáo dục. Đây là nguồn động viên to lớn cho các lực lượng lao động trong 2 ngành nói trên. Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới những người thầy thuốc, thầy giáo, những người cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đã vượt qua nhiều khó khăn để nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân.

Theo Phó Thủ tướng, dù Việt Nam được xếp hạng nước thu nhập trung bình thấp, nhưng do tính ưu việt của chế độ, do truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự nỗ lực của cả hệ thống, của ngành Y tế và Giáo dục, nên 2 ngành này đều được đánh giá có mức phát triển, hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế. Ngành Y tế, Giáo dục phải cân đối, đảm bảo giữa kỳ vọng của người dân, khả năng của nền kinh tế; đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế; quản trị các cơ sở giáo dục, y tế, thúc đẩy ở cả khu vực công và tư.

Nhấn mạnh tự chủ y tế và giáo dục là vấn đề rất khó khăn, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện. Hiện nay, Việt Nam đang có cách làm khác so với thế giới và thực tế đã chỉ ra rằng, cách làm của thế giới là đáng học tập: Quản trị bệnh viện và trường học là xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư, về thu chi. “Vì chúng ta thiếu kinh phí nên đã lấy tài chính làm yếu tố đầu tiên, nếu lo hết được chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát lại hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn, giải quyết dứt điểm các vấn đề trong dài hạn, tạo tiền đề phát triển lâu dài.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-thang-than-trach-nhiem-va-khach-quan-20221028202920604.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39614 sec| 670.852 kb