Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em trong gia đình: Phần 'lộ sáng' mới chỉ là bề nổi của 'tảng băng chìm'?

Liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em trong gia đình: Phần 'lộ sáng' mới chỉ là bề nổi của 'tảng băng chìm'?
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết sốc trước hình ảnh bé gái nhỏ thó, tay bị gẫy, cơ thể nhiều vết bầm tím với đôi mắt hoảng sợ được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh giải cứu ra khỏi “tổ quỷ” của cha đẻ cùng người tình. Bé được giải cứu sau những tiếng kêu khóc xé trời giữa sự bất lực của bà nội và hàng xóm bên ngoài cánh cổng cao cùng sự hung hăng của người bố ruột. Vấn nạn trẻ em bị hành hạ trong chính tổ ấm của mình liên tiếp xảy ra gây phẫn nộ và đã đến mức báo động đỏ...

Nỗi đau không của riêng ai

Trong căn nhà đóng kín cửa, trong sự hung dữ, tàn bạo và mất nhân tính của một người cha nghiện ngập cùng nhân tình, em bé hẳn phải trải qua bao khiếp đảm khi đương đầu với những lời dọa nạt, những cú đánh, đấm... gớm ghê lắm. Bạo hành đến mức bé bị gãy 1/3 xương tay, hẳn phải dữ dằn, tàn bạo lắm.

Thực không dám tưởng tượng tiếp. Mới hình dung thôi mà đã rụng rời chân tay vì nó đau lòng quá. Đứa bé hẳn đau lắm. Đau thân xác và đau trái tim.

Trẻ con mà, nhỏ bé vậy, biết trông cậy vào ai ngoài cha mẹ, biết trốn đi đâu khi đó đã là nhà mình. Một khi đòn oan nghiệt đến từ chính tay những kẻ sinh thành mang trong mình quyền sinh, quyền sát thì với con trẻ, đó chỉ còn là sự nghiệt ngã của số phận.

Liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em trong gia đình: Phần 'lộ sáng' mới chỉ là bề nổi của 'tảng băng chìm'?
Bạo hành để lại những tổn thương lớn với trẻ nhỏ.

Sao ám ảnh về những em bé bị bố mẹ bạo hành cứ mãi nối dài?!

Nỗi đau của em bé trong vụ việc mới này cũng là nỗi oan nghiệt của bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị mẹ đẻ Nguyễn Thị Lan Anh và chồng hờ Nguyễn Minh Tuấn hành hạ, đánh đập, bỏ đói đến mức tử vong khiến dư luận phẫn nộ hồi cuối tháng Ba. Nỗi đau này cũng là sự lặp lại với những gì đã xảy ra với em bé mới học lớp 3 ở Quảng Bình khi bị bố đẻ đánh đến mức phải nhập viện.

Cha hờ, mẹ ruột đánh con gái đến nguy kịch ở Bình Dương; Cha ruột đánh con gái gãy xương sườn ở Hải Dương; Bé 8 tuổi bị bố và người tình đánh chết bằng điếu cày ở Bắc Ninh... Những vụ án rúng động dư luận gia tăng cùng mức độ tàn nhẫn đến khó tưởng.

Vấn đề đặt ra là làm sao để bảo vệ những đứa trẻ khỏi nguy cơ bạo lực từ chính gia đình, cha mẹ ruột?

Thực ra, luật Hôn nhân – Gia đình đã có quy định về hạn chế quyền của cha mẹ với con chưa thành niên. Pháp luật về bảo vệ trẻ em cũng có quy định tước quyền làm cha, làm mẹ của những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại nghiêm trọng con mình. Tuy nhiên, việc thực thi luật còn xa rời cuộc sống. Nhiều khi hành vi xâm hại nghiêm trọng con đã xảy ra rồi cha mẹ mới bị pháp luật sờ gáy. Sự muộn màng đã chặn đứng con đường đổi thay số phận những đứa trẻ.

Ám ảnh theo suốt cuộc đời

Đây có lẽ cũng là lý do ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức hay Anh, cảnh sát luôn có nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em chặt chẽ trong cả mối quan hệ gia đình và . Chỉ cần một lời khả nghi của hàng xóm về việc bố mẹ bạo hành con, các bậc phụ huynh ở đây đã phải giải trình cảnh sát. Một cú tố tội của đứa con có thể khiến bố mẹ mất luôn quyền tạm thời, thậm chí mãi mãi.

Có lẽ đã đến lúc thẳng tay tước quyền làm cha mẹ của những người vốn mang trong mình những mầm “độc” như nghiện ngập, bạo lực, có lối sống đồi trụy... và những tính cách, hành vi không có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ trước khi những đứa trẻ bị hại.

Vết hằn bạo hành của cha mẹ lên những đứa con đôi khi không chỉ in dấu ở những vết thương có thể nhìn thấy. Sự tổn thương trong tinh thần, sự đau đớn trong thẳm sâu tâm thức thậm chí có thể đẩy đứa trẻ đến những bi thảm cuộc đời mà ở đó tự tử là một trong những ví dụ điển hình.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ bị cha mẹ bạo hành có khuynh hướng sử dụng những hình thức bạo hành trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống nhiều hơn những trẻ không trải qua điều này. Một thành phần bất hảo, một mối nguy cơ lớn cho xã hội bởi thế bắt đầu nảy sinh từ chính những kẻ sinh ra con mà chưa học làm cha mẹ.

Có câu rằng: “Không phải sinh con ra đã là một người cha, mà cả đời phải xứng đáng là một người cha”. Sinh ra con có thể là câu chuyện của tự nhiên, của tạo hóa nhưng để nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục con cái là điều mà cha mẹ phải học, phải phấn đấu thậm chí cả đời để xứng đáng với danh xưng đẹp đẽ đó. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, những vụ bạo hành trẻ em trong gia đình bị phát hiện mới chỉ là "bề nổi của tàng băng chìm". Dư luận xã hội chỉ biết khi sự việc đã rồi, thậm chí người trong cuộc bỏ trốn sau khi hành hạ trẻ em như việc mới xảy ra ở Bắc Ninh. Hồi chuông đã gióng lên từ lâu, song vẫn liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng. Làm sao để ngăn chặn, phòng ngừa "mầm họa" trong mỗi gia đình, làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi những đòn roi và "tra tấn như thời trung cổ"... là câu hỏi đau lòng và nhức nhối.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23441 sec| 647.313 kb