Hiện nay, nhờ chính sách của chính phủ và các cơ quan quản lý, việc thành lập doanh nghiệp càng ngày càng được tối giản, có thể nói chưa bao giờ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc này cũng tạo điều kiện cho công ty ma xuất hiện ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích trốn thuế, chiếm đoạt tài sản, trục lợi bất chính, gây ra những hệ lụy ảnh hưởng cho kinh tế xã hội như tình trạng lừa đảo khách hàng, ký kết hợp đồng khống để lừa đảo nhiều doanh nghiệp, cá nhân, thất thu ngân sách và trốn thuế nhà nước. Vậy những công ty ma này là gì? Cách nhận biết công ty ma như thế nào?
Thủ đoạn sử dụng công ty ma nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản
Có thể hiểu, công ty ma hay doanh nghiệp ma là các doanh nghiệp được thành lập nhưng không hoạt động. Doanh nghiệp ma thường lựa chọn loại hình thành lập công ty TNHH, bởi lẽ loại hình này có thủ tục thành lập đơn giản, dễ dàng và tính chịu trách nhiệm hữu hạn về pháp lý.
Việc các cá nhân, doanh nghiệp thành lập công ty ma nhằm mục đích mua bán hóa đơn, trốn thuế đã xuất hiện từ lâu, nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng xử lý và các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp kêu cứu và được xác nhận là nạn nhân của các công ty ma, các công ty này đứng ra làm trung gian thương mại, mua bán hàng hóa với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Chị L (xin được giấu thông tin cá nhân), là chủ một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội chuyên kinh doanh sữa cho biết: Vào tháng 11/2019, công ty của chị có ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty H cũng có trụ sở tại quận Cầy Giấy, TP.Hà Nội. Vì quá tin tưởng khách hàng nên công ty của chị L đã giao hàng cho công ty H nhiều lần, tổng giá trị các đơn hàng chưa thanh toán đến nay đã lên tới xấp xỉ 13 tỷ đồng. Sau nhiều lần trao đổi với đại diện công ty H, chị L phát hiện số hàng mà công ty chị bán cho công ty H đã được công ty H bán sang công ty M. Được biết, công ty M và công ty H có cùng người đại diện pháp luật (Giám đốc) là ông T. Sau khi điều tra tìm hiểu, chị L mới biết ông ty H chỉ là một công ty ma được lập ra với mục đích mua hàng hóa của các công ty khác sau đó bán lại sang công ty thứ ba nhưng không thu tiền. Tới nay, khoản công nợ của công ty H với công ty của chị vẫn chưa thể thu hồi vì thực tế công ty H là công ty ma, hoàn toàn không có khả năng thanh toán.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là hành vi chiếm đoạt tài sản được sắp xếp, dàn dựng một cách có tổ chức và hoạt động bài bản của các công ty hoạt động bất chính dưới hình thức thành lập một công ty ma làm trung gian thương mại để nợ tiền thanh toán của các đối tác. Nhưng ngay sau khi nhận được hàng hóa, công ty ma làm trung gian thương mại đã lập tức chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho công ty khác. Thường ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản, các công ty ma này sẽ lẩn trốn hay tiến hành thủ tục giải thể hoặc phá sản, các chủ sở hữu của công ty ma cũng hoàn toàn không có khả năng thanh toán sau giai đoạn này.
Dấu hiệu nhận biết công ty ma
Trao đổi với Diễn đàn Pháp luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Gíam đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các Cộng sự cho biết: “Để có thể đảm bảo và bảo vệ tốt nhất cho mình trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý và tìm hiểu kỹ khách hàng của mình nhằm phát hiện kịp thời các công ty ma trên thị trường. Để đề phòng một công ty ma cần nhiều kỹ năng và sự nhạy bén, xác định một công ty ma là tương đối mơ hồ nhưng không phải là không có cơ sở”.
Nhiều dấu hiệu để xác định một công ty ma như sau: Công ty ma thường thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp tư nhân, đăng ký kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau và chủ yếu là dịch vụ tổng hợp, không trực tiếp sản xuất hàng hóa, không đăng ký những ngành nghề có điều kiện hay cần phải đăng ký vốn pháp định, chứng chỉ ngành nghề để họ dễ dàng trốn khỏi sự kiểm soát của các cơ quan Nhà nước. Chủ doanh nghiệp thường ở địa phương xa xôi, không có các tài sản cá nhân để không bị đối trừ thiệt hại sau khi tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những công ty ma này thường tồn tại trong thời gian ngắn, sau khi đạt được mục đích lừa gạt người khác thì sẽ nhanh chóng bỏ trốn hoặc giải thể để thành lập công ty khác với tên gọi, tên chủ, tên địa điểm mới và tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật, có khi họ làm đơn xin ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Các công ty ma gần như không có tài sản giá trị hay vốn hoạt động, chủ sở hữu cũng hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo quy định pháp luật.
“Hiện nay, vấn nạn các công ty ma đứng ra làm trung gia thương mại nhằm chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng nhiều, các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh cần phải cảnh giác cao, nên sử dụng các dịch vụ tư vấn luật để bảo vệ mình và trình báo lên các cơ quan chức năng ngay khi có dấu hiệu quyền lợi của mình bị xâm phạm. Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc điều tra và đưa ra các biện pháp xử lý, dẹp bỏ vấn nạn này”, – Luật sư Hà chia sẻ.