Sự cần thiết của bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp
Hiện nay, chúng ta đang mở cửa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, các hoạt động giao lưu và kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở trong nội bộ địa phương, trong nước mà đã mở rộng ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Theo đó, các rủi ro về mặt pháp lý và thông lệ quốc tế luôn tiềm ẩn, do đó cần phải có giải pháp phòng ngừa, hạn chế các thiệt hại trong giao kết, tranh chấp các giao dịch dân sự, kinh tế và các giao dịch khác.
Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống nền kinh tế Việt Nam. Tuy phát triển nhanh và đông đảo, nhưng hiện nay có tới 95% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vốn dĩ việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đã khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu nhận thức về pháp luật trong kinh doanh và có thói quen chủ quan, ít sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý bên ngoài.
Do đó, để các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững và chuyên nghiệp, họ cần phải thành lập 1 bộ phận chuyên nghiệp độc lập để làm công tác pháp lý, qua đó tư vấn, tham mưu cho các lãnh đạo doanh nghiệp, giúp họ vận dụng chính xác các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tìm hiểu kỹ về các đối tác làm ăn để nắm bắt kịp thời các cơ hội, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh. Thực tế đã chứng minh, việc doanh nghiệp không chỉ sử dụng các đơn vị luật sư bên ngoài, họ còn thành lập một ban pháp chế nội bộ để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tồn tại rất phổ biến ở các nền kinh tế phát triển.
Pháp chế doanh nghiệp là gì?
Định nghĩa về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các cộng sự cho biết: “Khái niệm luật sư nội bộ, luật sư “in-house” hay bộ phận pháp chế doanh nghiệp không phải là mới mẻ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Bộ phận pháp chế doanh nghiệp có vai trò đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời nhân viên pháp chế còn là những nhà tư vấn, trợ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật để hoạt động kinh doanh một cách thuận tiện và linh hoạt nhất. Để có thế giải quyết những vấn đề trên, đòi hỏi nhân viên pháp chế phải là những người được trang bị đầy đủ về kiến thức pháp luật, thành thạo các kỹ năng cần thiết của nghề pháp chế”.
Bộ phận pháp chế doanh nghiệp sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ như: Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác trong kinh doanh; Thẩm định các dự thảo thoả thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư để đảm bảo không vi phạm pháp luật, điều lệ hoặc có sơ hở, sai sót về mặt pháp luật có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp; Soạn thảo, thẩm định các dự thảo quy chế, quy định quản lý và các văn bản quan trọng khác của doanh nghiệp theo sự phân công của lãnh đạo; Cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, về tình hình thị trường kinh tế thông qua các phương tiện thông tin, các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan Nhà nước; Cung cấp thông tin cho lãnh đạo doanh nghiệp về việc vận dụng pháp luật trong điều hành sản xuất, trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, các hợp đồng thương mại, tài chính, tín dụng, dịch vụ, đào tạo, xây dựng.
Ngoài ra, bộ phận pháp chế còn đóng vai trò tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp bằng cách đưa ra các dự báo tác động về tình hình giá cả, thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra. Trong trường hợp xấu nhất, khi có các tranh chấp xảy ra, bộ phận pháp chế sẽ tham mưu giúp cho lãnh đạo lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất, ít tốn kém, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp. Thậm chí họ có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp tham gia tranh tụng, giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.
Lời khuyên của luật sư về nhiệm vụ và vai trò của pháp chế
Theo luật sư Hà, công việc của một luật sư hoạt động trong các công ty luật, văn phòng luật sư là mang tính dịch vụ, đích đến của công việc chính là đạt được yêu cầu và sự hài lòng của khách hàng bên ngoài. Khác với luật sư, đối tượng khách hàng của pháp chế doanh nghiệp chính là kết quả làm việc, đảm bảo doanh nghiệp tối đa được lợi nhuận mà vẫn vận hành suôn sẻ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Công việc của pháp chế doanh nghiệp chia theo 2 vấn đề chính bao gồm đối nội và đối ngoại. Về công việc đối nội, pháp chế giúp cho doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và các bộ phận khác các công việc sau: Xây dựng quy chế nội bộ, quy trình nội bộ, hệ thống văn bản và các quy định khác trong quá trình hoạt động của công ty; Tư vấn quản trị nội bộ doanh nghiệp, xây dựng điều lệ, cân đối quyền và lợi ích giữa các thành viên, cổ đông và các bộ phận khác trong công ty; Hỗ trợ công việc cho các phòng ban và đảm bảo hoạt động của công ty đúng với quy định của pháp luật; Thẩm định, rà soát, soạn thỏa các hợp đồng kinh doanh và các văn bản khác ban hành trong công ty; Xử lý các công việc phát sinh trong hoạt động của công ty; Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp: Trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế bởi lợi nhuận và cơ hội càng lớn thì rủi ro càng cao.
Về công việc đối ngoại, pháp chế giúp cho doanh nghiệp các công việc sau: Đại diện doanh nghiệp xử lý các công việc phát sinh bên ngoài công ty, làm việc với khách hàng, bên thứ 3 hay với cơ quan Nhà nước; Tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động, giữ cho quyền và lợi ích của doanh nghiệp luôn được đảm bảo.
Không thể phủ nhận vai trò của các công ty luật và văn phòng luật sư luôn đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, đội ngũ pháp chế nội bộ cũng luôn giữ một vai trò nhất định và không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Nó không chỉ đảm bảo hoạt động bên trong của doanh nghiệp luôn vững vàng và ổn định mà còn giúp doanh nghiệp tự tin phát triển và mở rộng trên thị trường.