Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường
Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường.

Quy định toàn diện về môi trường

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với rất nhiều điểm mới được bổ sung, phạm vi điều chỉnh toàn diện trên các lĩnh vực. 

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định rất rõ tại Điều 17 về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Điều 28 về bảo vệ môi trường như: Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch…

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Luật Thủ đô đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

Các cơ chế được quy định trong Luật Thủ đô kết hợp với các quy định về bảo vệ môi trường của quốc gia sẽ tạo điều kiện để Thủ đô thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường
Luật Thủ đô đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường (Ảnh: HT).

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Công – Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường.

Theo đó, Luật nhấn mạnh trách nhiệm và quy định cụ thể về quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường; quy định rõ hơn về quản lý chất thải, ô nhiễm không khí, nước và bảo vệ hệ sinh thái đô thị.

"Điều này phù hợp với nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh đô thị hóa nhanh của quận Bắc Từ Liêm", ông Công nói.

Điểm nổi bật trong Luật là phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn, cụ thể các nội dung trong luật khuyến khích phát triển các dự án xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Văn Công – Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Đồng thời, Luật Thủ đô tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm của công dân đối với môi trường sống. Khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong quản lý môi trường và phát triển đô thị thông minh, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

"Dù có nhiều quy định tích cực, thách thức lớn vẫn là thực thi luật trong thực tế. Cần có các cơ chế giám sát hiệu quả để đảm bảo các quy định được tuân thủ", ông Công cho hay.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận đã tham mưu UBND quận triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ về bảo vệ môi trường tại địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn cũng được tăng cường. Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm đã tham mưu Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND Thành phố xử phạt đối với 18 đơn vị với tổng số tiền phạt gần 1,9 tỷ đồng, trong đó có đơn vị đã bị xử phạt trên 700 triệu đồng.

Tạo môi trường sống lành mạnh cho công dân Thủ đô

Chia sẻ về kế hoạch thực hiện, triển khai và phát triển địa phương theo hướng xanh, bền vững, ông Công một lần nữa nhấn mạnh, Luật Thủ đô đã đặt trọng tâm vào việc phát triển Thủ đô Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường, nhấn mạnh sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, và môi trường.

Trong thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu này Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm sẽ tham mưu UBND quận triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện, triển khai và phát triển địa phương theo hướng xanh, bền vững.

Cụ thể là, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị có liên quan thuộc quận nhằm đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tối đa, góp phần tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, tổ chức các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và các biện pháp cụ thể mà mỗi cá nhân có thể thực hiện như giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, quản lý chất lượng không khí và nước, các biện pháp giám sát chất lượng không khí chặt chẽ hơn, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm từ giao thông và công nghiệp.

Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ xử lý hiện đại nhằm ngăn chặn ô nhiễm góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường
Đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tối đa, góp phần tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân (Ảnh: HT).

Song song với đó, xây dựng hệ thống quy hoạch xanh, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ưu tiên thực hiện các Dự án nhằm phát triển không gian xanh như công viên, vườn hoa, khu vực ven sông.

Giám sát chặt chẽ các khu đô thị đảm bảo tỉ lệ cây xanh, mặt nước, tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân.

"Chúng tôi cũng sẽ có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, và năng lượng sinh khối", ông Công cho hay.

Cùng với đó là có các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà công cộng và dân cư sẽ được thúc đẩy, hướng tới giảm thiểu lượng khí thải CO2.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có lưu lượng xả thải lớn… nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các đơn vị cố tình thực hiện các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường….

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội gắn chặt với bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề "nóng", đặc biệt tại các đô thị lớn.

"Sau khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm sẽ tham mưu UBND quận triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn Quận nhằm phát huy hiêu quả tối hiệu quả của Luật", ông Công cho biết thêm.

Dưới góc nhìn của chuyên gia về môi trường, ông Vũ Thanh Ca cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là đề tài "nóng" nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Để đảm bảo thực hiện được những quy định trong Luật Thủ đô và các quy định trong pháp luật môi trường quốc gia đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo Thủ đô.

Cùng với đó, để phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sống được trong lành, theo ông Ca, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đầu tư hoàn thiện những vấn đề chưa rõ trong pháp luật về môi trường. Đồng thời, đầu tư để thực hiện hiệu quả những quy định trong pháp luật môi trường.

"Người dân cũng cần tìm hiểu, nắm vững các quy định trong pháp luật môi trường để có thể thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân và hộ gia đình, đóng góp bảo vệ môi trường cho cộng đồng và xã hội", ông Ca nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 9/8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trong đó nêu rõ mục đích nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm cao trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Thủ đô đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phân công tổ chức thực hiện, xác định trách nhiệm, thời hạn triển khai và hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao nhất các nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tại Kế hoạch số 225 ngày 22/7/2024 của UBND Thành phố và Kế hoạch của HĐND Thành phố.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời phổ biến rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp về Luật Thủ đô, các chính sách xây dựng và phát triển Thủ đô, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực Quản lý đất đai và Bảo vệ tài nguyên, môi trường trong việc thi hành Luật Thủ đô.

Hoàng Bích - Ngọc Tân - Hữu Thắng/Người Đưa tin

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27061 sec| 670.516 kb