Để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với rất nhiều điểm mới được bổ sung, phạm vi điều chỉnh toàn diện trên các lĩnh vực với cơ chế đặc thù riêng để "trái tim của cả nước" phát triển mạnh mẽ trở thành trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị hàng đầu.
Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định đặc biệt về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hướng tới người gia đình hộ nghèo, cận nghèo tại Thủ đô.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 27 Luật Thủ đô thì chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sẽ được xây dựng hệ thống chính sách an sinh bảo đảm đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân. HĐND thành phố sẽ quyết định các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, trợ giúp pháp lý, nước sạch, nhà ở xã hội,…
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Tiến Bắc – Phó Chủ tịch UBND phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đã có bước đột phá, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô.
"Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này rất sát với thực tế. Chính quyền cơ sở, đặc biệt cấp xã phường chúng tôi kỳ vọng khi Luật Thủ đô được áp dụng và đi vào thực hiện thì bộ mặt của Thủ đô cũng như nhiều nội dung trong Luật sẽ sát với quyền và nghĩa vụ của công dân Thủ đô", ông Bắc chia sẻ.
Cùng với đó, áp dụng các chính sách phù hợp để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND phường Liên Mạc cũng hy vọng các nội dung trong Luật sẽ được các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là thành phố Hà Nội xây dựng các Nghị quyết, quyết định để hướng dẫn, làm sao Luật đi vào thực tiễn cuộc sống và xây dựng Thủ đô xứng đáng là "trái tim của cả nước".
"Khi đã có hướng dẫn đầy đủ thì cơ sở, cấp phường sẽ tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng nguyên tắc", ông Bắc cho hay.
Chia sẻ với Người Đưa Tin xoay quanh Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An – ĐBQH khoá XIII đánh giá Luật đã có những bước đột phá, tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô phát triển. Bên cạnh đó, Luật cũng đã phân cấp một cách triệt để để quản trị Thủ đô được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Đối với vấn đề an sinh xã hội, bà An cho rằng, Hà Nội luôn quan tâm đến chính sách này, quan tâm đến chất lượng cuộc sống không chỉ những người có hộ khẩu thường trú ở Thủ đô mà cả các cư dân ở địa phương khác đến sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Khi Luật Thủ đô được triển khai là điều kiện để chính sách an sinh xã hội được cải thiện hơn, thực hiện một cách triệt để hơn, đúng với khẩu hiệu "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bà An kỳ vọng tới đây Thủ đô sẽ bứt phá, GDP tăng trưởng bền vững, thành phố phát triển theo kinh tế xanh, an sinh xã hội sẽ được nâng lên.
Trong đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập, hạ tầng xã hội khác sẽ được tốt lên và người dân sẽ được hưởng lợi.
Còn ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, mang tính chất đột phá để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Điểm mới đầu tiên đó là phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội, Thủ đô Hà Nội phân cấp phân quyền cho địa phương cấp dưới. Qua thực tiễn, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương chủ động thì việc triển khai các nhiệm vụ phát triển địa phương thuận lợi hơn, đẩy nhanh tiến độ hơn.
Thêm nữa, Luật cũng có các cơ chế chính sách nhằm phát huy nguồn lực tài chính và con người, có chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại Thủ đô.
Ông Cừ nhìn nhận, Hà Nội cũng là một trong các địa phương có nhiều chính sách an sinh xã hội và làm rất tốt.
Như chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng cần được bảo trợ từ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
Đặc biệt, người dân nhập cư để lao động tại Thủ đô rất lớn, do đó việc quan tâm đến người dân từ các địa phương đến Hà Nội sinh sống, làm việc như việc học tập của con em người lao động cũng rất được quan tâm.
"Bên cạnh đó, đối với người cao tuổi, ngoài những chính sách của Nhà nước, Hà Nội đã có những chính sách riêng như tăng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi, đối với những trường hợp được trợ cấp đều cao hơn mức quy định của Trung ương. Ngày lễ, Tết đều có quà động viên, thăm hỏi tới những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn", ông Cừ nói và kỳ vọng triển khai Luật Thủ đô thì chính sách an sinh xã hội sẽ tiếp tục được triển khai, phát huy thực hiện tốt.
Chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên
Chúng ta thường nói "an cư lập nghiệp". Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề này trở thành chủ đề rất "nóng", rất bức thiết khi giá nhà, giá chung cư liên tục tăng cao khiến cho giấc mơ an cư của người lao động có thu nhập thấp ở Hà Nôi trở nên xa vời. Tại Điều 29 của Luật cũng đã quy định về phát triển nhà ở.
Về vấn đề này theo ông Cừ, Hà Nội đã rất quan tâm, theo đó sẽ đẩy nhanh tiến độ và cấp bách cải tạo những chung cư xuống cấp không đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Cừ nói: "Hà Nội cũng tiếp tục đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội, đây là chủ trương đúng".
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Hà Nội, những năm qua, tốc độ về các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa được nhanh, đáp ứng nhu cầu người dân còn khiêm tốn.
"Cùng với đó, việc đẩy nhanh tiến độ Vành đai 4, khi dự án khánh thành cùng quy hoạch thì nguồn quỹ đất để tiếp tục đầu tư cho các dự án mang tính xã hội sẽ ngày càng thuận lợi và có nhiều dư địa để phát triển", ông Cừ chia sẻ.
Cùng nêu ý kiến về vấn đề phát triển nhà ở trong Luật Thủ đô (sửa đổi), bà An thừa nhận những năm trước đây vấn đề này có nhiều khó khăn, sửa lại chung cư cũ cũng khó, xây nhà ở xã hội mới cũng chưa thật cụ thể.
"Lần này, tôi nghĩ rằng với Luật Thủ đô (sửa đổi) thì vấn đề nhà ở xã hội cũng sẽ có chính sách thích hợp hơn để những người có nhu cầu thật sự sẽ mua được. Hoặc nhà chung cư cũ, tập thể cũ cũng sẽ được sửa sang lại", bà An nói.
Với Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, bà An kỳ vọng Thủ đô sẽ có sự bứt phá một cách toàn diện, tổng thể các mặt từ diện mạo, hình thức cho đến nội dung, tăng trưởng về kinh tế và chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên.
Bên cạnh đó, bà An cũng kiến nghị với thành phố làm thế nào để các văn bản hướng dẫn thi hành các điều khoản của Luật Thủ đô phải cụ thể, chi tiết, bám sát thực tiễn.
"Cần phải theo dõi, đánh giá, giám sát các địa phương từ cấp thôn, xã, phường, huyện, quận xem vận dụng Luật ra sao, thực hiện thế nào để luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, sau thời gian triển khai nên có đánh giá nơi nào làm tốt, nơi nào chưa tốt. Từ đó, có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Đây là sự mong đợi không chỉ của nhân dân Thủ đô mà còn của nhân dân cả nước", bà An nhấn mạnh.