Cần có quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản
Thảo luận Hội trường, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền; đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Đại biểu cho biết, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.
Đại biểu nêu rõ, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến.
“Nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá; đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là: Khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày; khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng này”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Đại biểu đề nghị thiết kế một chương về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền để đảm bảo tính logic của dự thảo Luật; từ đó khẳng định, Việt Nam rất chủ động trong hoạt động hợp tác song phương cũng như đa phương đối với công tác phòng, chống rửa tiền và thực hiện các cam kết quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.
Ngăn chặn lừa đảo thông qua chuyển tiền tài khoản ngân hàng
Đóng góp ý kiến về quy định giao dịch có giá trị lớn tại khoản 5 Điều 3, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị nên quy định cụ thể mức này trong luật để dễ theo dõi thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý.
“Trường hợp cần thiết, mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này. Thực tế, mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong 10 năm qua không thay đổi. Hiện nay, mức giá trị của giao dịch phải báo cáo là 300 triệu đồng. Nên xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo có thể là 500 triệu đồng”, đại biểu nêu ý kiến.
Về tổ chức phi lợi nhuận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần xem xét sửa đổi thành pháp nhân phi thương mại vì luật cần phải quy định về pháp nhân thay cho tổ chức, và để đảm bảo sự thống nhất với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 76 về pháp nhân phi thương mại được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về việc thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ, tài khoản vô danh, nặc danh và mạo danh trong lĩnh vực ngân hàng, điện thoại di động và mạng xã hội là một trong những vấn đề nhức nhối, tiếp tay cho hoạt động gian lận, lừa đảo xảy ra ngang nhiên, phổ biến, rất khó phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý trong thời gian vừa qua. Do đó, đại biểu đề nghị luật này cùng với các luật liên quan cần có các quy định nhằm ngăn chặn việc lừa đảo ngang nhiên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Đề nghị rà soát kỹ các điều khoản về giải thích từ ngữ và một số nội dung để đảm bảo sự tường minh, khả thi, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, Điều 2 trong dự thảo Luật có quy định, đối tượng áp dụng của Luật là: Tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có các giao dịch với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa giải thích rõ ràng về hai đối tượng áp dụng là: Tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung nội dung giải thích rõ về các đối tượng này.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị chỉnh lý khoản 6, Điều 3 trong dự thảo Luật quy định: “Chuyển tiền điện tử là bất kỳ giao dịch nào được thực hiện theo yêu cầu của người khởi tạo, thông qua tổ chức tài chính bằng phương tiện điện tử nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể là người khởi tạo”. Để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, đại biểu đề nghị sửa đổi thành: “Chuyển tiền điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của người khởi tạo, thông qua tổ chức tài chính nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng”.
Xây dựng dự thảo Luật theo hướng cập nhật thực tiễn
Báo cáo và giải trình một số nội dung đại biểu nêu tại Hội trường đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với các nội dung giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, các quy định này chủ yếu là những nội dung liên quan đến kỹ thuật, phải điều chỉnh theo từng thời kỳ hoặc phát sinh trong thực tiễn, cần cập nhật kịp thời, thay đổi thường xuyên.
Liên quan đến các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các đối tượng báo cáo này trong dự thảo luật là những đối tượng được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung những đối tượng đang được quy định các văn bản dưới luật, ví dụ như đối tượng trung gian thanh toán.
Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật này các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật. Tuy nhiên, trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng, các hoạt động này chưa được quy định trong văn bản quy định pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa nên đưa vào dự thảo luật. Do đó, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Liên quan đến nội dung quy định dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam. Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, nên khi các đối tượng, chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…
Giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến nội dung trì hoãn giao dịch, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, để tránh lạm dụng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, dự thảo luật đã quy định thời hạn trì hoãn không quá ba ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo sẽ được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật…
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/nang-cao-hieu-qua-hieu-luc-cong-tac-phong-chong-rua-tien-20221101131434453.htm